Cà Mau tập trung nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng

Ngày 13/3, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Vườn Quốc gia U Minh hạ nêu một số khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng rừng tại hội nghị.
Đại diện Vườn Quốc gia U Minh hạ nêu một số khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng rừng tại hội nghị.

Tại Cà Mau, diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện hơn 143.600 ha (rừng dễ xảy ra cháy trong mùa khô hơn 45.600 ha), chiếm hơn ¼ tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong số này, diện tích có rừng tập trung hơn 93.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 17,65%.

Trong năm 2023, ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện sát sao các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng có liên quan để duy trì và phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hoàn thành 15/19 nhiệm vụ theo chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong kinh tế khu vực lâm nghiệp ước đạt 5%, giá trị kinh tế lâm nghiệp ước đạt 1.639 tỉ đồng; trồng rừng tập trung được 4.169 ha; khai thác gỗ rừng trồng 400.000m3, đạt 98,9% kế hoạch.

Cà Mau tập trung nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

5 năm qua, mặc dù thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, nhiều thời điểm rừng dự báo cháy cấp 4, cấp 5, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị, phòng cháy, chữa cháy rừng nên mùa khô 2023, toàn tỉnh Cà Mau không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Ngành lâm nghiệp Cà Mau còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm so với năm 2022. Hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng ven biển trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò bảo vệ đa dạng sinh học…

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng còn chậm; ý thức chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận dân cư sinh sống trong và ven rừng còn hạn chế…

Cà Mau tập trung nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng ảnh 2

Trồng rừng sau khai thác tại miệt rừng U Minh hạ tỉnh Cà Mau.

Năm 2024, ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt độ che phủ rừng 17,65% (diện tích có rừng tập trung 93.093ha); tốc độ tăng trưởng trong khu vực lâm nghiệp ước đạt 4%, giá trị sản xuất toàn khu vực ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng (trong đó, giá trị gỗ khoảng 480 tỷ đồng).

Cùng với đó, trồng rừng tập trung 5.337ha (trồng mới 305ha, trồng lại rừng sau khai thác 5.032ha); bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ 41.043ha; trồng 2,8 triệu cây phân tán; khai thác gỗ rừng trồng 450.000m3...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu ngành lâm nghiệp tỉnh và các đơn vị chức năng có liên quan, cùng các địa phương có rừng trong tỉnh cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, từ đó phân công việc cụ thể, phù hợp cho từng cá nhân, đơn vị thực hiện trong thời gian tới.

Cà Mau tập trung nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng ảnh 3

Tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022-2023.

Trong đó, thực hiện quy hoạch các vấn đề chiến lược, xây dựng kế hoạch triển khai phương án quy hoạch lâm nghiệp dựa trên quy hoạch tỉnh, triển khai quy định của Luật Đất đai có liên quan đến lâm nghiệp.

Khẩn trương hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, nhất là các đơn vị, tổ chức chưa hoàn thành phương án. Sớm xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển kinh tế lâm nghiệp, như: Phát triển rừng gỗ lớn, sản xuất giống cây lâm nghiệp, trồng cây phân tán gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là nghiên cứu giải pháp xen canh một số giống cây trồng, dược liệu dưới tán rừng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến lâm sản. Xây dựng đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon, chứng chỉ FSC. Xây dựng kế hoạch giao đất, quản lý, thu hồi và xử lý các vấn đề liên quan đến đất rừng, thực hiện các công việc trong kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng...