Huyện Bình Xuyên là trung tâm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc với bốn khu công nghiệp lớn với hàng trăm nhà máy, hàng chục nghìn công nhân. Nguồn thu ngân sách cao cho phép địa phương này đầu tư rộng rãi cho giáo dục, cả về cơ sở vật chất cũng như cơ chế, chính sách phát triển giáo dục. Mặc dù vậy, giáo dục của huyện nhiều năm phát triển khá chậm, bộc lộ nhiều hạn chế.
Để cải thiện tình hình, Huyện ủy, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cả về công tác nhân sự, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm 2021, Huyện ủy Bình Xuyên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2025, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Các trường học được đầu tư khang trang, nhiều trường được mở rộng, nâng cấp. Thiết bị dạy học được cung cấp đầy đủ với tổng số các trường trên địa bàn được trang bị 1.004 máy chiếu, 1.026 máy tính để bàn, 76 máy tính xách tay, 101 đài cát-xét... Chỉ riêng năm 2022, huyện có năm trường học được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đề ra nhiều giải pháp cải thiện chuyên môn, thay đổi phương pháp điều hành theo hướng sâu sát, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Công tác tổ chức hoạt động giáo dục, kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở giáo dục và giáo viên cũng được đổi mới nhằm bảo đảm thực chất, công bằng. Trong đó, các trường được lập thành các cụm để trao đổi chuyên môn. Một số trường cùng khối sẽ được xếp vào một cụm và luân phiên tổ chức thao giảng, trình bày sáng kiến kinh nghiệm để học tập lẫn nhau. Nhờ đó, giáo viên bộ môn có điều kiện trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp ở các trường khác. Cách làm như vậy kích thích sáng tạo trong hoạt động giảng dạy của mỗi thầy cô, mỗi trường trong cụm, trong khối thi đua.
Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên đề xây dựng kế hoạch bài dạy để đội ngũ giáo viên cốt cán trao đổi kinh nghiệm, triển khai giải pháp trường học điện tử, lớp học điện tử cũng được tích cực triển khai.
Cô giáo Trần Thị Tố Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Hợp (Bình Xuyên) cho biết, trong hoạt động giáo dục của địa phương, các phong trào thi đua trước đây "đầu voi đuôi chuột", nay được tổ chức bài bản, có kế hoạch cụ thể, có kiểm tra, khảo sát, đánh giá, xếp loại và khen thưởng. Cách làm này thúc đẩy các trường và đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên nỗ lực vươn lên khẳng định mình. Bản thân hiệu trưởng các trường cũng phải tìm hiểu kỹ từng giáo viên, lấy chuyên môn làm đầu, sát cánh cùng giáo viên trong mỗi sáng kiến, mỗi giờ thao giảng, chia sẻ các vấn đề chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ, quá trình nâng cao chất lượng dạy học, trường đã nỗ lực để giáo viên tập trung vào chuyên môn, động viên, khích lệ giáo viên kịp thời. Bên cạnh đó, trường bố trí cho học sinh đạt thành tích cao báo cáo trong giờ chào cờ đã giúp lan tỏa tinh thần học tập góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, giáo dục Bình Xuyên đã có chuyển mình mạnh mẽ, năm học 2021-2022, thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh đạt 52 giải (trong đó có hai giải nhất, 10 giải nhì, 14 giải ba), tăng 10 giải so với năm học trước. Số học sinh đỗ Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc là 49 em, xếp thứ tư trong số chín huyện, thành phố, trong đó có một em đỗ thủ khoa. Kết quả thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023, huyện Bình Xuyên có tăng trưởng điểm bình quân các môn thi cao nhất tỉnh…