Dù chỉ kéo dài ba ngày, song chuyến thăm đã đạt được những kết quả thực chất, không chỉ giúp Ấn Độ nâng tầm quan hệ với hai đối tác quan trọng ở khu vực mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chuyến thăm song phương đầu tiên tới Brunei của Thủ tướng Ấn Độ diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Dựa trên nền tảng quan hệ hữu nghị, cũng như những tiến triển trong hợp tác những năm gần đây, Ấn Độ và Brunei nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác tăng cường.
Cùng Thủ tướng Modi đưa ra quyết định nêu trên trong cuộc hội đàm tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah bày tỏ tin tưởng, quan hệ hai nước sẽ trở nên sâu sắc hơn, đóng góp tích cực vào sự ổn định và tăng trưởng của khu vực.
Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm nêu rõ, hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai nước sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ. Với vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Brunei mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Ấn Độ.
Trong khi đó, năng lực về công nghệ và nguồn vốn đầu tư của Ấn Độ sẽ thúc đẩy các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Brunei. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc giảm tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)…
Sau chuyến thăm Brunei, Thủ tướng Modi dừng chân tại Đảo quốc sư tử. Với sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ song phương, cũng như tiềm năng hợp tác, Ấn Độ và Singapore nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Điều này phản ánh cam kết của hai bên trong việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ và mở rộng hợp tác hơn nữa. Như Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhận định, quyết định nêu trên được đưa ra đúng thời điểm bởi hai nước sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2025. Theo ông Lawrence Wong, hai bên đã đề ra chương trình nghị sự hướng tới giai đoạn tiếp theo của quan hệ song phương.
Singapore hiện là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và lớn thứ sáu trên thế giới của Ấn Độ. Trong năm tài chính 2023-2024, Singapore dẫn đầu về rót vốn FDI vào Ấn Độ. Nhận thức rõ đây là động lực chính đối với sự phát triển của quan hệ song phương, Thủ tướng Modi và người đồng cấp nước chủ nhà kêu gọi mở rộng hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước.
New Delhi xem ASEAN là một trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông và cũng là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI).
Ông Modi nêu rõ, sự tăng trưởng nhanh và bền vững của Ấn Độ đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Singapore. Chuyển đổi số, giáo dục và y tế cũng là những lĩnh vực được hai nước chú trọng, trong khi gần đây chất bán dẫn được xác định là lĩnh vực hợp tác mới. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, hai bên trao đổi các bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong bốn lĩnh vực này.
New Delhi xem ASEAN là một trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông và cũng là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI). Sự coi trọng của Ấn Độ với ASEAN có thể thấy rõ qua việc quan hệ hai bên được nâng lên mức Ðối tác chiến lược toàn diện năm 2022.
Trong chuyến thăm vừa qua, ông Modi một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của Ấn Độ đối với vai trò trung tâm của ASEAN. Thủ tướng Modi và Quốc vương Hassanal Bolkiah cam kết hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực cùng có lợi nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Ấn Độ. Sự phát triển của quan hệ ASEAN-Ấn Độ cũng sẽ tạo động lực cho quan hệ giữa New Delhi với từng nước thành viên Hiệp hội. Điều này được nhấn mạnh bởi ông Modi và các nhà lãnh đạo Singapore, nước giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2021-2024.
Chuyến công du Đông Nam Á của Thủ tướng Modi giúp Ấn Độ mở ra chương mới trong quan hệ với Brunei và Singapore, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với khu vực. Chuyến thăm cũng tạo cơ hội để Ấn Độ thúc đẩy hợp tác với Hiệp hội dựa trên IPOI và Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Những thành quả đạt được trong chuyến thăm chính là bước tiến mới của New Delhi trong chặng đường 10 năm thực hiện chính sách Hành động hướng Đông.