Thủ tướng Ấn Độ đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp

Sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, ông Narendra Modi trở thành người thứ hai, sau cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru, được bầu giữ chức Thủ tướng Ấn Độ ba nhiệm kỳ liên tiếp. Thủ tướng Modi quyết định giữ nguyên các vị trí chủ chốt trong chính phủ nhiệm kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng đắc cử Modi cam kết xây dựng Ấn Độ ngày càng giàu mạnh. Ảnh: INDIA TIMES
Thủ tướng đắc cử Modi cam kết xây dựng Ấn Độ ngày càng giàu mạnh. Ảnh: INDIA TIMES

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Modi và 71 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới của Ấn Độ được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, dưới sự chủ trì của Tổng thống Draupadi Murmu. Tham dự buổi lễ, ngoài lãnh đạo các đảng phái chính trị và các quan chức địa phương, còn có 7 lãnh đạo các quốc gia láng giềng gồm Tổng thống Sri Lanka, Tổng thống Maldives, Thủ tướng Bangladesh, Phó Tổng thống Seychelles, Thủ tướng Bhutan, Thủ tướng Nepal và Thủ tướng Mauritius. Điều này thể hiện việc Ấn Độ vô cùng coi trọng chính sách “Láng giềng trên hết”.

Một ngày sau lễ nhậm chức, Thủ tướng Modi bổ nhiệm các chức danh quan trọng trong “Chính phủ Modi 3.0”, trong đó giữ nguyên vị trí của một số bộ trưởng chủ chốt. Việc giữ lại các bộ trưởng chủ chốt này giúp bảo đảm tính liên tục và ổn định trong các chính sách và sáng kiến của Chính phủ Ấn Độ.

Hai nhiệm kỳ trước của Thủ tướng Modi để lại dấu ấn nổi bật với các sáng kiến quan trọng như Chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí lớn nhất thế giới (Ayushman Bharat), Sứ mệnh quốc gia về tài chính toàn diện nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính (PMJDY), Nhà ở cho mọi người, Chương trình PMUY nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em bằng cách cung cấp cho họ nhiên liệu nấu ăn sạch - LPG, Chương trình UDAN phát triển sân bay kết nối khu vực, sản xuất tại Ấn Độ… Bên cạnh đó, ông cũng tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến các dự án đang chờ xử lý và thúc đẩy bảo vệ môi trường.

Về đối ngoại, thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ. Ngoài ra, chính quyền Thủ tướng Modi sẽ đẩy mạnh hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của New Delhi có thể thu hút được sự chú ý nhiều hơn. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục tích cực tham gia Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) và các chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Năm 2024 kỷ niệm 10 năm Chính sách hành động hướng Đông (AEP) thay thế Chính sách hướng Đông (LEP), đặt nền móng cho cam kết của Ấn Độ với phương Đông. Quan hệ đối tác với ASEAN, các nước láng giềng trên bộ và trên biển của Ấn Độ, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ tiếp tục được New Delhi đẩy mạnh thời gian tới.

Quan hệ ngày càng sâu sắc với Mỹ cũng sẽ là một ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Modi. Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và thúc đẩy ký FTA với Anh, Liên minh châu Âu (EU), Bangladesh cùng nhiều nước khác. Bên cạnh đó, việc rà soát các FTA sẽ phải được hoàn tất, trong đó có FTA với ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành vịnh Bengal (BIMSTEC) lần thứ 6 dự kiến diễn ra tại Bangkok (Thailand) vào tháng 9 tới và đây có thể là hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Modi tham dự trong nhiệm kỳ 3.

Trung Đông vẫn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, mang lại cả lợi ích kinh tế lẫn địa chiến lược. Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ và việc phong tỏa kênh đào Suez đang ảnh hưởng nặng nề đến thương mại của Ấn Độ, do đó Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) là một giải pháp thay thế khả thi để tránh eo biển Bab El-Mandab - vốn là điểm nghẽn chính trong giao thông hàng hải quốc tế.