Theo công văn này, các hãng tàu buộc phải tái xuất số hàng tồn nói trên trong vòng 30 ngày, kể từ khi nhận được thông báo. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất đều do hãng tàu chịu trách nhiệm. Được biết, số container này được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, qua giám định, các lô hàng phế liệu này đều không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nên buộc phải tái xuất để tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay, tình trạng hàng nghìn container (với 70% là hàng phế thải) để tồn đọng, lưu kho tại các bãi cảng quá thời hạn (hơn 90 ngày), sau giám định kết luận không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc phải xử lý theo quy định. Tính đến cuối tháng 4-2020, thống kê sơ bộ tại một số cảng tại TP Hồ Chí Minh tồn đọng hơn 2.000 container phế liệu (hơn 90 ngày chưa thông quan), trong đó có khoảng 70% là rác phế liệu chủ yếu nhập khẩu qua cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Được biết, trong số này có nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết tình trạng này, Tổng Cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển. Thời gian qua, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện thống kê, phân loại và tìm chủ sở hữu hoặc có liên quan đến các lô hàng phế liệu. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp đến chi cục hải quan xác nhận làm thủ tục nhận hàng và bổ sung thông tin để được nhập khẩu hoặc tái xuất.
Đến nay, ngoài gần 1.100 container phế liệu đang tồn đọng buộc phải tái xuất, còn có 364 container thuộc diện khóa trọng điểm, 411 container đủ điều kiện chờ giám định và 138 container đang thực hiện mở tờ khai.