Đây là quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên được xây dựng với các mục tiêu kinh tế được đặt ra rất cụ thể: Đến năm 2030, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong đó, đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình cho cả giai đoạn là 7%/năm; GDP bình quân đầu người tính đến năm 2030 đạt 7.500 USD. Trong cơ cấu tổng sản phẩm kinh tế quốc dân (GDP), tỷ trọng nhóm của ngành dịch vụ đạt hơn 50%. Về không gian phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch chia cả nước thành sáu vùng kinh tế-xã hội, gồm: Trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, quy hoạch cũng xác định phát triển bốn vùng động lực quốc gia gồm: Vùng động lực phía bắc, Vùng động lực phía nam, Vùng động lực miền Trung và Vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long, tương ứng các cực tăng trưởng gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong giai đoạn này, nguồn lực của đất nước cũng được tập trung ưu tiên thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế bắc-nam và hai hành lang kinh tế đông-tây là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu.
Để triển khai thực hiện tốt quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và xây dựng các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Quy hoạch là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Từ đó nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bao trùm và bền vững; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân, phát huy cao nhất các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới và rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.