Tình hình chính trị tại Mali:

Bước lùi an ninh

Cuộc đàm phán giữa phái đoàn Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và chính quyền quân sự Mali về tiến trình chuyển tiếp dân sự đã không đạt kết quả như mong đợi. Đây có thể coi là một bước lùi an ninh và khiến tình hình chính trị tại Mali chưa thể ổn định.

Binh sĩ Mali tuần tra trên đường phố tại Bamako. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Mali tuần tra trên đường phố tại Bamako. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phái đoàn ECOWAS, do Đặc phái viên, cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan dẫn đầu, có cuộc đàm phán với các nhân vật quân đội cấp cao đang nắm quyền điều hành Mali về việc khôi phục chính quyền dân sự. 

Tuy nhiên, hai bên đã không thể đạt thỏa thuận do chính quyền quân sự Mali từ chối đưa ra cam kết về lịch trình bầu cử. Động thái này sẽ càng gây sức ép lên chính quyền quân sự Mali về việc phải sớm ấn định ngày bầu cử khi rõ ràng cố tình trì hoãn cuộc bầu cử đáng lẽ diễn ra cuối tháng 2 này. Bởi, nếu tổ chức bầu cử, chưa chắc các nhân vật thân cận giới quân sự, đang nắm quyền điều hành đất nước, đã giành chiến thắng. Trước thái độ “câu giờ” của chính quyền quân sự Mali, ECOWAS đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, khiến kinh tế đất nước đã khó khăn do dịch bệnh càng lún sâu vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, chính quyền quân sự Mali vẫn tìm mọi cách để trì hoãn cuộc bầu cử, với việc thông qua dự luật cho phép quân đội có thể cầm quyền cao nhất 5 năm, trong bối cảnh các cuộc tấn công thánh chiến vẫn chưa lắng dịu kể từ năm 2012. Cơ quan lập pháp Mali do quân đội kiểm soát cũng quyết định, tổng thống lâm thời không thể ứng cử trong một cuộc bầu cử dân chủ trong tương lai. Dự luật mới được thông qua không đề cập đích danh Tổng thống lâm thời của Mali, Đại tá Assimi Goita và để ngỏ khả năng ông có thể tranh cử nếu từ chức trước cuộc bầu cử.

Mali, quốc gia không giáp biển với 21 triệu dân, đã phải chật vật đối phó cuộc xung đột vũ trang bùng phát năm 2012, sau đó lan rộng sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger. Cuộc xung đột đã khiến hàng nghìn binh sĩ cùng dân thường thiệt mạng và hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Sau cuộc đảo chính vào tháng 8/2020, giới quân sự cầm quyền ở Mali cam kết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào tháng 2/2022, song lại bất ngờ “quay xe” khi đòi nắm quyền đến tháng 5/2022, với lý do lo ngại về an ninh. Đáp lại, ECOWAS đã không chấp nhận thái độ trì hoãn bầu cử và áp đặt các biện pháp cấm vận thương mại và đóng cửa biên giới với Mali.

Trong khi đó, Mali đề xuất tiếp tục hợp tác song phương với các quốc gia châu Âu, sau khi Pháp tuyên bố rút quân khỏi quốc gia vùng Sahel châu Phi, vốn đang vật lộn với nhiều khó khăn. Cuộc rút quân của Pháp sau gần một thập kỷ hiện diện cũng đánh dấu việc lực lượng Takuba của châu Âu được thành lập năm 2020 rời khỏi Mali. 

Việc các lực lượng của Pháp và châu Âu rút khỏi Mali sẽ tạo ra khoảng trống an ninh, đẩy quân đội các nước Tây Phi, vốn chưa thật sự vững mạnh trong tuyến đầu chống chủ nghĩa thánh chiến và Hồi giáo cực đoan, vào tình thế khó khăn. Tổng thống Côte d’Ivoire nêu rõ, việc rút lực lượng Barkhane của Pháp và Takuba của châu Âu khỏi khu vực Sahel của châu Phi sẽ buộc các nước trong khu vực phải tăng cường năng lực quốc phòng và bảo vệ khu vực biên giới vốn luôn bất ổn thời gian qua.

Việc rút quân khỏi Mali sẽ diễn ra trong vài tháng để nước này có thêm thời gian củng cố các kế hoạch an ninh với các nước châu Phi còn lại trong khu vực Sahel. Giới chuyên gia lo ngại, làn sóng bạo lực tại các nước Tây Phi sẽ kéo theo các cuộc di cư bất hợp pháp của người dân sang châu Âu, đe dọa các chiến dịch an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược của các quốc gia trong khu vực.

Tình hình bất ổn tại Mali có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia châu Phi khác, do đó, cộng đồng quốc tế mong chờ chính trường Mali dịu bớt sóng gió, góp phần ổn định an ninh và chính trị cho khu vực.