"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp

NDO - Hai năm trở lại đây, rạp chiếu trong nước chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của phim Việt, với những doanh thu kỷ lục liên tiếp bị xô đổ, những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, gay gắt, thậm chí khốc liệt của các phim trong nước, và cả những cuộc chia tay rạp chiếu đầy tiếc nuối nhưng không nằm ngoài quy luật cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả xếp hàng chờ vào rạp xem "Đào, Phở và Piano" hồi đầu năm. (Ảnh: VŨ ANH)
Khán giả xếp hàng chờ vào rạp xem "Đào, Phở và Piano" hồi đầu năm. (Ảnh: VŨ ANH)

Nếu như những năm trước, phim Việt chỉ là phần “thêm nếm” ngoài rạp, gần như nhường hoàn toàn thị phần cho các dòng phim ngoại nhập, đến mức nhiều nhà làm phim Việt Nam phải lên tiếng kêu gọi giành lại thời lượng cho phim Việt, thì gần đây, rạp chiếu đã chứng kiến một hiện thực ngược lại hoàn toàn. Phim Việt liên tục đổ bộ các rạp chiếu, lấn át phim nước ngoài, kể cả những phim bom tấn ăn khách nhất từ Hollywood đến Hàn Quốc.

Không còn chỉ chờ mỗi mùa Tết để bung ra, với công thức chủ yếu là phim hài, thậm chí hài nhảm, giờ đây phim Việt ra rạp quanh năm, chủ đề cũng phong phú hơn rất nhiều, từ hài, tâm lý, gia đình, tình yêu tuổi trẻ, cho đến phim kinh dị, phim sinh tồn, và cũng không hiếm cả những phim nghệ thuật, giành giải thưởng cao.

"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp ảnh 1

Doanh thu phim chiếu rạp ngày 5/6: "Lật mặt 7: Một điều ước" của Lý Hải giữ vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng. (Thống kê từ Box Office Việt Nam)

Sự trở lại mạnh mẽ của phim Việt xuất phát từ những thay đổi của một thế hệ nhà làm phim mới, có thể còn trẻ hoặc không còn trẻ, nhưng đã lựa chọn được đúng nhu cầu của khán giả, để từ đó đem về những con số kỷ lục về doanh thu. Tiêu biểu trong số đó là Trấn Thành, Lý Hải và Victor Vũ.

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cho rằng, đây là điều rất đáng mừng, vì phim Việt Nam hiện nay đã được khán giả rất quan tâm. Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho biết, nếu so với năm trước, theo thống kê, thị phần phim Việt Nam năm 2022 chiếm khoảng 30%, nhưng ở năm 2023 đã lên tới hơn 40%. Doanh thu từ mảng phim tư nhân, trong đó có một số phim của đạo diễn Trấn Thành đã góp phần đẩy mạnh mức tăng doanh thu của phim Việt nói chung.

Trấn Thành là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây. Nổi tiếng và cũng gây nên nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng một điều không thể phủ nhận ở Trấn Thành là tìm ra được một công thức làm phim “đánh trúng” tâm lý khán giả, đem lại những con số doanh thu khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử đối với một phim Việt Nam.

"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp ảnh 2

Ê kíp diễn viên trong phim "Bố Già".

Mở đầu là “Bố già” ra mắt năm 2021, hợp tác với Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành đã khiến cả khán giả và giới chuyên môn kinh ngạc khi thu về khoảng 400 tỷ đồng (số liệu từ Box Office Việt Nam), vượt xa những kỷ lục về doanh thu của phim Việt trước đó. “Bố già” được đánh giá là gần gũi với đời thường, được chăm chút từng chi tiết, thậm chí đầu tư khá công phu về bối cảnh, cùng với diễn xuất tự nhiên, ăn ý của dàn diễn viên vốn thân thiết với Trấn Thành. Tuy nhiên, “Bố già” cũng nhận nhiều ý kiến phê bình rằng còn dài dòng và hơi lạm dụng yếu tố kịch tính, lắt léo…

Tiếp nối thành công của “Bố già”, năm 2023 Trấn Thành cho ra mắt tiếp “Nhà bà Nữ”, bộ phim bùng nổ cả về doanh thu và những cuộc tranh cãi. Chọn một câu chuyện gia đình với những yếu tố bi kịch chung quanh câu chuyện lắng nghe và thấu hiểu nhau, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đã “đại thắng” cả ở các rạp trong nước và nước ngoài, nhưng cũng khiến nhiều người phản ứng vì cách kể chuyện và diễn biến tâm lý của một số nhân vật trong phim chưa hợp lý.

"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp ảnh 3

Cảnh trong phim "Nhà bà Nữ".

“Nhà bà Nữ’ thu về hơn 459 tỷ đồng doanh thu, vượt qua kỷ lục của “Bố già” và đưa tên tuổi Trấn Thành trở thành một trong những đạo diễn có phim ăn khách nhất.

Năm 2024, Trấn Thành cho ra mắt “Mai”, một câu chuyện đã mang thiên hướng xã hội nhiều hơn gia đình, và vẫn sử dụng công thức gần gũi với đời thường. “Mai” mặc dù gặp phải sự cạnh tranh khá gay gắt từ một số phim, trong đó có cả “hiện tượng phim lịch sử” “Đào, Phở và Piano”, nhưng vẫn xô đổ kỷ lục của “Nhà bà Nữ” với hơn 551 tỷ đồng vé rạp.

"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp ảnh 4

Phim "Lật mặt 7".

Tuy nhiên, năm 2024 cũng ghi nhận một sự cạnh tranh mạnh mẽ khác ở dòng phim thương mại có doanh thu trăm tỷ. “Lật mặt 7 – Một điều ước” của Lý Hải ngay từ những ngày đầu ra rạp đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ, và hiện nay đang ở mức doanh thu hơn 467 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tháng ra mắt.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của một số phim thương mại, đặc biệt trong năm 2024 còn có sự bùng nổ bất ngờ của “Đào, Phở và Piano”, một bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Khởi đầu từ hiện tượng “sập mạng” tại trang web bán vé của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, đến những hàng người rồng rắn xếp hàng chờ mua vé trực tiếp, “Đào, Phở và Piano” đã đem đến sự sôi động cho thời sự điện ảnh Việt những tháng đầu năm.

Không chỉ dừng lại ở hiện tượng ‘cháy vé”, đem về doanh thu cao chưa từng thấy ở một bộ phim Nhà nước đặt hàng về đề tài lịch sử cách mạng (khoảng 20 tỷ đồng), mà “Đào, Phở và Piano” còn đặt ra nhiều vấn đề để cơ quan quản lý điều chỉnh cho phù hợp đối với mảng phim đặt hàng.

"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp ảnh 5

Tiến sĩ Ngô Phương Lan. (Ảnh: HÀ NAM)

Tiến sĩ Ngô Phương Lan từng cho rằng, trong kinh phí đặt hàng của Nhà nước không có chi phí phát hành, hoặc có một khoản rất hạn chế, chỉ khoảng từ 50 đến 100 triệu đồng, trong khi những phim mới ra rạp ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, chi phí ra rạp, quảng bá thường chiếm tới 1/3 chi phí sản xuất phim. Như vậy, 50 hay 100 triệu đồng dành cho phim ra rạp chỉ như muối bỏ biển.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng đặt ra vấn đề, nếu như có kinh phí, các hãng phim Nhà nước có kinh nghiệm hay chuyên môn về phát hành, quảng bá, tiếp thị phim không, khi từ trước đến nay nhiệm vụ được giao chỉ là sản xuất phim. Chính vì vậy giải pháp là cần có phương án liên doanh, hoặc hợp tác với các nhà phát hành chuyên nghiệp, trong trường hợp các phim có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu khán giả.

"Bùng nổ" phim Việt chiếu rạp ảnh 6
Tiến sĩ Ngô Phương Lan. (Ảnh: HÀ NAM)

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng đề cập đến việc phải thay đổi cơ chế để khuyến khích nhà phát hành, nhà sản xuất tư nhân không bị thiệt thòi trong việc chung tay đưa phim Nhà nước đặt hàng đến với khán giả.

Chủ trương của Nhà nước là hợp tác công tư hai bên cùng có lợi, không bên nào phải chịu thiệt. Chính vì thế việc xây dựng phương án phát hành là rất cần thiết. Thậm chí việc phát hành khó vì chưa quy định được tỷ lệ với rạp thì cũng chỉ là quy định rất nội bộ vì bản thân tôi cũng không biết được những quy định như thế, và trong luật cũng không quy định. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh, thì phải có thị trường điện ảnh, và phải có những con đường đi bền vững” – Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho biết.

Những ý kiến chuyên gia cũng như những kết quả mà “Đào, Phở và Piano” đem lại đã góp phần đem đến những thay đổi trong cả tư duy quản lý từ cơ quan quản lý và sản xuất phim từ phía các nhà sản xuất. Về phía Cục Điện ảnh, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, Cục đã gửi kiến nghị lên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là đơn vị phổ biến, phát hành phim do Nhà nước đặt hàng, và cần thiết phải xây dựng một quy định về phát hành phim do Nhà nước đặt hàng, sớm nhất sẽ ban hành trong cuối năm nay.

Những cú “bùng nổ” của phim Việt là tín hiệu vô cùng đáng mừng, điều này chứng tỏ khi đã đáp ứng đúng tâm lý và nhu cầu của khán giả, phim Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ngang bằng với các phim nước ngoài khác, khi các rạp xếp lịch chiếu trên nhu cầu người mua vé.

Những cú “bùng nổ” của phim Việt là tín hiệu vô cùng đáng mừng, điều này chứng tỏ khi đã đáp ứng đúng tâm lý và nhu cầu của khán giả, phim Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ngang bằng với các phim nước ngoài khác, khi các rạp xếp lịch chiếu trên nhu cầu người mua vé.

Và việc phim Việt tạo nên những cơn sốt ngoài rạp chiếu cũng là một phép thử để chính các nhà làm phim nhìn lại mình, để thay đổi tư duy làm phim, lựa chọn kịch bản và cách thể hiện. Để thấy được rằng, không chỉ đào trúng “mạch” yêu thích của khán giả, mà còn phải liên tục đổi mới, sáng tạo, mới có được sức cạnh tranh lâu dài trên thị trường.

Đây là yêu cầu và thách thức nhưng cũng là cơ hội quý báu không chỉ của những nhà làm phim tư nhân, những người chuyên “chinh chiến” trên thị trường phim ảnh, mà còn cả với điện ảnh Nhà nước, khi thực tế đã chứng minh rõ ràng rằng, một bộ phim với nội dung tuyên truyền, định hướng, có chất lượng, chạm tới cảm xúc của khán giả, sẽ có khả năng cạnh tranh bình đẳng với phim thương mại ngoài rạp.

Chính vì thế, cú “bùng nổ” của phim Việt ngoài rạp chiếu năm nay cũng chính là sự động viên, khích lệ những người làm điện ảnh tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho những “đứa con tinh thần” của mình.