Điểm sáng đầu tiên của phim Việt năm 2023 là doanh thu kỷ lục của bộ phim “Nhà bà Nữ” với dấu ấn của Trấn Thành, khi vượt qua mức doanh thu 450 tỷ đồng, một con số trong mơ đối ngay cả với nhiều phim nhập khẩu. Và đây cũng là dấu ấn của một mùa phim Việt đại thắng trong dịp Tết, áp đảo hoàn toàn phim nhập khẩu.
Sau hai năm ngưng trệ vì dịch Covid-19, năm nay cũng có thể coi là năm đầu tiên phim chiếu rạp được “sáng đèn” chính thức trong toàn bộ dịp Tết, vì năm ngoái các rạp chiếu phim chỉ mở cửa từ 10/2, sau khi bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch.
Năm nay, có 8 phim ra rạp vào dịp Tết, trong đó hai bộ phim Việt là “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành và “Chị chị em em 2” của Vũ Ngọc Đãng. Các phim còn lại hầu hết đều có phân khúc khán giả hẹp như “Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến từ London”, “Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng”, “Poporo”, “M3GAN”… hay đã chiếu rạp từ trước đó một thời gian như “Avatar: The way of water”…
Trong suốt dịp Tết, “Nhà bà Nữ” chiếm số suất chiếu cao nhất ở các hệ thống rạp trong cả nước. Cùng với một câu chuyện như được đưa thẳng từ đời vào phim, từ ngôn ngữ đến hoàn cảnh cũng như nhân vật, và bằng những cách truyền thông khéo léo, tiếp cận khán giả liên tục từ nhiều góc độ…, bộ phim của Trấn Thành với cả hai vai trò đạo diễn và nhà sản xuất đã nhanh chóng phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác của doanh thu vé rạp, và trở thành hiện tượng phim Việt năm nay.
Hiện tại, “Nhà bà Nữ” vẫn là đề tài được khán giả quan tâm và bàn luận nhiều tại các diễn đàn về phim ảnh, mặc dù số suất chiếu đã giảm tại các rạp, nhường chỗ cho phim mới. Mới đây, Trấn Thành đã thông báo trên trang cá nhân về kế hoạch chiếu “Nhà bà Nữ” ở một số thị trường nước ngoài, báo hiệu khả năng về một cơn sốt doanh thu mới.
“Nhà bà Nữ” cùng với “Bố già” đều của Trấn Thành, cùng một mô-típ đề tài gia đình, những mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung của các thế hệ khác nhau trong gia đình, và đều đạt mức doanh thu khủng hơn 400 tỷ đồng, con số mơ ước với nhiều phim Việt.
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ". |
Trong khi đó, “Tro tàn rực rỡ”, bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, từng giành giải Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim Ba châu lục ở Nantes (Pháp) lại khá ngậm ngùi khi không thu hút được khán giả tại các rạp chiếu trong nước.
Là một tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau một thời gian yên ắng, “Tro tàn rực rỡ” được đánh giá là đậm chất nghệ thuật, với ngôn ngữ điện ảnh rất riêng của đạo diễn, chỉn chu trong từng khuôn hình, màu sắc. Ra rạp từ ngày 2/12/2022, thế nhưng doanh thu tính đến nay của phim chỉ vỏn vẹn hơn 4.1 tỷ đồng.
Phim "Đêm tối rực rỡ". |
Trước đó, “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto thực hiện tại Việt Nam đạt doanh thu 20,7 tỷ đồng, được đánh giá là bộ phim độc lập thành công và là một trong những phim độc lập có doanh thu cao nhất ở hệ thống rạp chiếu Việt Nam. Ngay cả Aaron Toronto ban đầu cũng không kỳ vọng vào doanh thu của phim khi không có diễn viên ngôi sao ăn khách, không theo gu giải trí của số đông khán giả. Tuy thế, nhưng so với “Nhà bà Nữ”, mức doanh thu này chỉ ở mức rất khiêm tốn.
Quay trở lại nhiều năm trước, “Song lang” là một trường hợp đáng tiếc nhất của phim nghệ thuật khi giành nhiều giải thưởng quốc tế, được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng lại không thành công ngoài rạp chiếu. “Song lang” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Le, kể về một câu chuyện tình yêu trong bối cảnh nghệ thuật cải lương.
Phim "Song lang". |
“Song lang” chỉn chu đến từng chi tiết, từ phục dựng bối cảnh, trang phục biểu diễn đúng với thập niên 80, cho đến lựa chọn diễn viên và yêu cầu họ rèn luyện để có thể thể hiện đúng với tinh thần của nhân vật trong kịch bản.
“Song lang” đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng trong nước, như giải Bông sen vàng cho phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và giải Cánh diều bạc cho phim truyện điện ảnh tại Giải Cánh diều 2018. Từ cuối năm 2018, phim đã được gửi đi tham dự và công chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế, trong đó có Liên hoan phim quốc tế Tokyo và Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh, thu về hơn 30 giải thưởng tại các sự kiện điện ảnh này, đồng thời được cho là phim điện ảnh Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng quốc tế nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, ở hệ thống các rạp chiếu trong nước, “Song lang” không thành công được như vậy. Được đầu tư kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, nhưng doanh thu vé rạp của phim thu được chỉ khoảng hơn 5 tỷ đồng. Phim cũng bị rút khỏi các rạp chiếu trước thời hạn, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu mến bộ phim và yêu mến nghệ thuật cải lương.
Nghịch lý này cũng không xa lạ gì đối với thị trường điện ảnh thế giới. Lịch sử giải Oscar cho thấy, không nhiều phim giành tượng vàng “Phim xuất sắc nhất” lại gặt hái thành công ngoài rạp chiếu, ngoại trừ hiện tượng “Titanic” của đạo diễn James Cameron, đoạt 11 giải Oscar và đạt doanh thu hơn 2,1 tỷ USD. “Titanic” đang được phát hành lại ngoài rạp và hứa hẹn sẽ tiếp tục nâng mốc doanh thu kỷ lục của mình. Tất nhiên, cũng có những phim đoạt Oscar và vẫn bán vé tốt, nhưng không phổ biến.
Cuộc chiến trong lĩnh vực điện ảnh chưa bao giờ là dễ dàng. Các nhà làm phim thường xác định rõ ràng mục tiêu của mình: hoặc là giải thưởng, hoặc doanh thu vé rạp. Nhưng nếu đặt cả hai mục tiêu làm một, biết đâu một hình mẫu như James Cameron sẽ mang lại hứng khởi cho các nhà làm phim Việt, biến thách thức trở nên hấp dẫn?