MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC, MỪNG ĐẢNG

Bù Đốp với phong trào xây dựng nông thôn mới

Hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020), huyện Bù Đốp (Bình Phước) đã đạt được kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng biên giới.
Người dân ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến (Bù Đốp, Bình Phước) chăm sóc cây hồ tiêu.
Người dân ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến (Bù Đốp, Bình Phước) chăm sóc cây hồ tiêu.

Trở lại “xứ sở” hồ tiêu lần này, chúng tôi thêm vui với mô hình nuôi dê kết hợp trồng tiêu khá hiệu quả của nhiều gia đình ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp. Gạt xong đống cành, lá vào chuồng dê, bác Bùi Quốc Hai, ở ấp Phước Tiến cho biết, thu nhập chủ yếu của gia đình vẫn là từ trồng tiêu, nhưng nuôi dê, vừa có thêm cả trăm triệu đồng mỗi năm, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí mua phân bón, vì phân dê sau khi tạo thành phân vi sinh để bón, đất càng tơi xốp, cây tiêu được tăng chất hữu cơ, sinh trưởng tốt.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Huỳnh Thanh Vũ, việc dùng cây sống làm trụ cho cây tiêu đang là xu thế phổ biến của bà con trong huyện. Trụ là cây sống góp phần tạo bóng mát cho cây tiêu trong mùa khô. Tán, cành, lá của cây trụ (thường là cây gòn, cây keo dậu, cây lồng, cây núc nác, cây trôm,...) sau khi cắt tỉa bảo đảm độ sáng cho tiêu sinh trưởng, được dùng làm thức ăn nuôi dê nhốt chuồng. Năm qua, cùng với mô hình nuôi dê kết hợp trồng tiêu, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp còn phối hợp UBND các xã nhân rộng nhiều mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi lợn sinh sản; chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ sinh học,… góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020, Bù Đốp đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng các nhiệm vụ và nhóm giải pháp, trong đó tập trung gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng “sạch và bền vững” với xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là trình độ, năng lực cán bộ. Do đó, theo đồng chí Phạm Công Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Đốp, thì ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, nhất là trình độ chuyên môn kỹ thuật theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Cán bộ lãnh đạo, quản lý dành nhiều thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, tích cực từ mọi thành phần tham gia phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nhất là người nông dân. Nhờ đó, năm 2016, nhiều chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn của huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Về cơ sở vật chất, huyện đã hoàn thành 22 hạng mục công trình xây dựng mới, gồm: bốn trường học, một tuyến đường điện, 11 tuyến đường nhựa dài 34,3 km, sửa chữa, nâng cấp sáu tuyến giao thông nông thôn, nâng số ki-lô-mét đường giao thông bê tông xi - măng lên gần 30 km, nâng số tiêu chí bình quân xã nông thôn mới lên 10,5 tiêu chí/xã, tăng 2,3 tiêu chí so năm 2015.

Được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nhưng kết thúc giai đoạn 2011- 2015, xã Thiện Hưng chỉ đạt 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân cơ bản là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò người đứng đầu của một số cấp ủy, việc thực hiện Quy chế dân chủ chưa được phát huy… Qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình, Đảng ủy xã Thiện Hưng đã xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định mục tiêu và những giải pháp phù hợp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ðồng chí Phan Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thiện Hưng cho biết: Sau khi quán triệt Nghị quyết đến các chi bộ, cụm dân cư, tổ chức chính trị - xã hội, Ðảng ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách thôn; mỗi đảng viên trong chi bộ thôn phụ trách nhóm gia đình, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “nói đi đôi với làm”, Đảng bộ xã Thiện Hưng đã khơi dậy và phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân. Sau khi hoàn thành thêm sáu tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2016, Thiện Hưng đang dồn sức để hoàn thành ba tiêu chí còn lại trong năm nay. Được biết, từ sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, bà con đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công, tiền của để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn và nhiều công trình phúc lợi; tích cực xây dựng gia đình, thôn văn hóa; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Trên đồng lúa chín ở thôn Thiện Cư, nơi có đông đồng bào dân tộc Xtiêng, ông Điểu Chót chia sẻ: “Thuê máy gặt chỉ có 300 nghìn đồng nhưng gia đình tôi giảm được gần chục công gặt tay, lúa lại được chở về tận nhà, ít hao hụt. Lúa được cắt bằng máy, cho nên dễ dàng thu gom rơm để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô".

Cùng với các mô hình sản xuất nông nghiệp mới và hiệu quả ở huyện Bù Đốp, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở xã Thiện Hưng đã mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở vùng biên cương của Tổ quốc.