Ngày 23-3, giữa cái nắng hao hanh tâm điểm mùa khô Tây Nguyên, đứng trên nền đất là bãi bồi thuộc khu vực lòng hồ, tại tổ dân phố Đankia, Thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, nhìn sang phía đồi giữa lòng hồ, những chiếc xe ủi, xe múc vẫn đang hoạt động, những khối đất đỏ bazan đang “bật” ra khỏi núi, “dàn” xuống lòng hồ Đankia một cách “tự nhiên”. Cách đó không xa, những mảng lớn đất đỏ còn tươi mới đang khỏa lấp một phần lòng hồ chứa nước, dần hình thành một mảnh vườn và một cái “hồ riêng” trong tương lai.
Cùng với việc xâm lấn lòng hồ Đankia, phía thượng nguồn hồ Suối Vàng đã “mọc” lên những bãi rác trái phép, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước rất lớn, khi lượng rác này “ụp” xuống lòng hồ. Cùng với những bãi rác lộ thiên, ai đó đã có “ý thức” dấu một phần xuống lòng đất một cách cẩu thả. Theo quan sát, tại những khu vực bãi rác, gần tấm bảng “ranh giới vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà”, những dấu sơn còn khá mới vương lại trên thân cây thông, do những chuyến xe ô tô mang rác vào khu vực này?!
Cắt rừng, vòng quanh hồ Suối Vàng, tại những rừng thông phía thượng nguồn, gần mép hồ, một lượng lớn bao ni-lông, hộp xốp, vỏ chai nhựa… có thể do du khách dã ngoại thiếu ý thức để lại, cùng với rác thải nông nghiệp bồng bềnh trôi xuống hồ, khiến môi trường phía thượng nguồn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt trong tình trạng báo động.
Hồ Đankia có trữ lượng khoảng 20 triệu m3, là nguồn cung cấp cho hai nhà máy sản xuất nước sinh hoạt cho cư dân TP Đà Lạt, gồm nhà máy nước sạch Đankia 1, thuộc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng và nhà máy Đankia 2, do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đầu tư Tổng hợp và Hợp tác quốc tế (GELEXIM) đầu tư kinh doanh. Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng, công suất hai nhà máy này đạt 60 nghìn m3 mỗi ngày, trong khi bình quân tiêu dùng của TP Đà Lạt khoảng 45 nghìn m3/ngày, mùa cao điểm khoảng 50 nghìn m3.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng Võ Quang Tuân xác nhận, có hiện tượng ô nhiễm, do người dân san lấp lòng hồ, bồi lắng và rác thải, khiến nguồn nước tăng độ đục. Qua quan trắc, tuy mức độ ảnh hưởng vẫn trong ngưỡng cho phép, nhưng phải tiến hành xử lý. “Rác hữu cơ không ngại, nhìn nguồn nước đục, nhưng ít ảnh hưởng. Lo nhất là thuốc bảo vệ thực vật, do canh tác nông nghiệp gần lòng hồ…” - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng bộc bạch.
Lòng hồ Đankia - Suối Vàng đang bị “xâm lấn”, cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hàng ngày “tấn công” nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân phố núi Đà Lạt. Rồi đây, không biết có được “gạn đục, khơi trong”…?!
Rác thải nông nghiệp dồn ứ về phía hạ lưu hồ Suối Vàng.