Bốn tháng, 50 tỉnh tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bốn tháng qua, có 50 tỉnh tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 28 tỉnh tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại Công ty TNHH điện tử Chilisin Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, Hải Phòng. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)
Sản xuất tại Công ty TNHH điện tử Chilisin Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, Hải Phòng. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Ngày 6/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban tháng 5/2024.

Thông tin từ hội nghị cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Công tác thu, tài chính kế toán, tổ chức cán bộ, chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính, truyền thông chính sách, pháp luật không ngừng được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, hình thức. Bên cạnh đó là các kết quả tích cực về thanh tra, kiểm tra; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cụ thể như các văn bản: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng thời, cơ quan này cũng tích cực phối hợp các vụ, cục của Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bảo đảm tốt quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Bốn tháng, 50 tỉnh tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ảnh 1

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: VSS)

Về các chỉ tiêu chủ yếu, báo cáo cho biết, ước đến ngày 4/5/2024, toàn quốc có hơn 17,407 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,594 triệu người, tăng 1,56%; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,453 triệu người, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023.

Về số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, toàn quốc có 14,249 triệu người; tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2023.

Ước đến ngày 4/5/2024, toàn quốc có hơn 17,407 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,594 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,453 triệu người.

Số người tham gia bảo hiểm y tế là 90,24 triệu người; tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế đến hết tháng 4/2024, số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của toàn ngành là 155.406 tỷ đồng, tăng 10,04% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Một trong những điểm được bảo hiểm xã hội địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã. Chủ động tham mưu kế hoạch, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ Dương Văn Hào, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành có nhiều tín hiệu tích cực. Số liệu cho thấy, có 50 tỉnh tăng số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 28 tỉnh tăng số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 48 tỉnh tăng số tham gia bảo hiểm y tế.

Về công tác thu, hiện đang thực hiện đúng theo tiến độ; số chậm đóng từ 1-3 tháng đã giảm so với cùng kỳ năm trước, quy trình thu, đôn đốc giảm số chậm đóng đang dần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn. Dù vậy, còn nhiều khó khăn thách thức để đạt chỉ tiêu được giao năm 2024.

Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện nay, ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các địa phương cũng đã được kiện toàn. Tuy nhiên, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của tổ/thôn trưởng; qua đó tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp 3 bên, bao gồm cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức dịch vụ thu và chính quyền cấp xã. Bảo hiểm xã hội các địa phương phải bảo đảm vai trò điều phối, phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu; vừa bảo đảm không trống địa bàn nhưng cũng không được trùng chéo, lãng phí nguồn lực.

Số liệu cho thấy, có 50 tỉnh tăng số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 28 tỉnh tăng số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 48 tỉnh tăng số tham gia bảo hiểm y tế.

Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều tăng so với cùng kỳ, cho thấy một khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức của năm 2024 là không ít nên toàn ngành không được lơ là, chủ quan.

Thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực thi công việc, qua đó đưa ra các kịch bản, chương trình kế hoạch để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.

Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn.

Về chuyển đổi số, Tổng Giám đốc chỉ đạo nhanh chóng triển khai các khâu kỹ thuật để bảo đảm phát huy hiệu quả sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tối ưu hóa các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; truyền thông rộng rãi để người dân biết và sử dụng hiệu quả…

Cùng với đó, chủ động thông tin về các nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được cử tri, đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề đang được dư luận quan tâm trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, triển khai mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. Truyền thông mạnh mẽ về quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhấn mạnh các lợi ích về mặt quản lý, tính năng phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.