Bộ Tư pháp Thái Lan đề xuất bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng

NDO - Ngày 7/10, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan, So msak Thepsuthin cho biết, cơ quan này sẽ bồi thường 110.000 baht (khoảng 3.000 USD) cho mỗi nạn nhân trên tổng số 38 nạn nhân trong vụ thảm sát bằng súng hôm 6/10 tại tỉnh Nong Bua Lamphu.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha yêu cầu các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát ở tỉnh Nong Bua Lamphu. (Nguồn: Thaiger)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha yêu cầu các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát ở tỉnh Nong Bua Lamphu. (Nguồn: Thaiger)

Theo Đạo luật Bồi thường cho nạn nhân tội phạm, gia đình của những người thiệt mạng trong vụ thảm sát đủ điều kiện nhận khoản bồi thường lên tới 110.000 baht mỗi người. Số tiền này bao gồm 50.000 baht cho người đã mất, 20.000 baht cho chi phí tang lễ và 40.000 baht cho khoản thu nhập của gia đình bị mất.

Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho biết, những người bị thương trong vụ tấn công được bồi thường tối đa 40.000 baht để điều trị y tế và tối đa 20.000 baht cho chi phí phục hồi thể chất và tinh thần. Họ cũng sẽ được bồi thường thiệt hại về thu nhập với mức lương tối thiểu hằng ngày tại địa phương là 315 baht, và tối đa 50.000 baht cho các thiệt hại khác. Bộ Tư pháp Thái Lan bảo đảm sẽ cố gắng phê duyệt và giải ngân khoản bồi thường cho các nạn nhân trong thời gian sớm nhất có thể.

Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ngày 7/10 cũng tuyên bố đã rút ra bài học và sẽ giải quyết vấn nạn sử dụng ma túy trong lực lượng sau khi Panya Khamrab - một cựu hạ sĩ cảnh sát được cho là đã sử dụng ma túy và gây ra vụ thảm sát 38 người ở tỉnh Nong Bua Lamphu.

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Thái Lan, Damrongsak Kittipraphat cho biết, kẻ giết người đã trở nên điên cuồng ngay sau khi ra hầu tòa với cáo buộc về ma túy vào sáng 6/10. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra cho thấy viên cựu hạ sĩ cảnh sát có biểu hiện căng thẳng và say thuốc khi thực hiện vụ tấn công.

Trước đó, Panya đã bị sa thải khỏi lực lượng cảnh sát vào ngày 15/6 vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Mẹ của Panya nói rằng sau khi hầu tòa hôm thứ 6/10, tên này đã sử dụng ma túy trước khi cầm súng và lái xe đến địa điểm gây án.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan, Hội đồng Phát thanh Truyền hình Thái Lan và Hiệp hội Cung cấp Tin tức trực tuyến đã kêu gọi các phương tiện truyền thông nên cẩn trọng và hạn chế xuất bản các tin bài và hình ảnh gây đau thương cho người thân của các nạn nhân trong vụ thảm sát ở tỉnh Nong Bua Lamphu.

Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia Thái Lan (NBTC) cũng kêu gọi các phương tiện truyền thông khi đưa tin về vụ thảm sát cần duy trì đạo đức báo chí và tuân thủ nghiêm ngặt luật bảo vệ trẻ em, bảo vệ thông tin cá nhân và tội phạm máy tính.

NBTC cảnh báo rằng người thân của nạn nhân có thể kiện các hãng truyền thông vượt quá giới hạn theo Mục 37 của Đạo luật Kinh doanh phát thanh và truyền hình.