Bộ Tư pháp Mỹ và hãng Boeing đạt được thỏa thuận dàn xếp sự cố máy bay 737 MAX

Hãng chế tạo máy bay Boeing ngày 8/7 thông báo đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ liên quan hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX tại Indonesia và Ethiopia, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng cách đây khoảng 5 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu với báo giới, người đại diện của Boeing nêu rõ: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc, liên quan các điều khoản giải quyết với Bộ Tư pháp, tùy thuộc vào biên bản ghi nhớ và phê duyệt các điều khoản cụ thể".

Trong hồ sơ pháp lý trình lên tòa án bang Texas ngày 7/7, Boeing đã đồng ý nhận tội "âm mưu lừa gạt nước Mỹ" trong quá trình chứng nhận dòng máy bay MAX. Theo thỏa thuận với Bộ Tư pháp, Boeing chịu khoản tiền phạt hình sự là 243,6 triệu USD, đồng thời phải đầu tư tối thiểu 455 triệu USD trong 3 năm tới để tăng cường các chương trình an toàn theo quy định của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA). Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chỉ định một cơ quan giám sát độc lập để kiểm tra các hoạt động tuân thủ và an toàn của Boeing trong 3 năm. Bên giám sát này sẽ phải nộp báo cáo thường niên công khai lên tòa án về tiến độ của hãng hàng không. Việc bồi thường cho các gia đình nạn nhân sẽ do tòa án quyết định.

Hồi tháng 1/2021, Boeing đã đạt được Thỏa thuận dàn xếp giải quyết vụ việc để tránh bị truy tố hình sự (DPA) với Bộ Tư pháp Mỹ, cho phép Boeing miễn trừ truy tố hình sự trong 3 năm về các cáo buộc âm mưu gian dối khi che giấu lỗi thiết kế máy bay - vốn là nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn nêu trên. Đổi lại, Boeing phải trả 2,5 tỷ USD tiền phạt và bồi thường để đổi lấy quyền miễn trừ truy tố hình sự.

Thỏa thuận DPA dự kiến sẽ hết hạn vào năm nay. Nhưng vào tháng 1 vừa qua, Boeing lại rơi vào tình trạng khủng hoảng khi chiếc 737 MAX do hãng hàng không Alaska Airlines vận hành buộc phải hạ cánh khẩn cấp sau khi gặp sự cố bung một phần thân trong quá trình bay. Điều này gây thêm những quan ngại về vấn đề an toàn kỹ thuật của Boeing, kéo theo hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào tập đoàn. Do đó, Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ Boeing đã vi phạm thỏa thuận DPA.

Trong lá thư ngày 14/5 gửi tới tòa án Mỹ, giới chức Bộ Tư pháp cho rằng Boeing đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo DPA do “không thiết kế, thực hiện và thực thi chương trình tuân thủ và đạo đức để ngăn chặn và phát hiện các hành vi vi phạm luật gian lận của Mỹ trong suốt hoạt động của mình". Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ đàm phán thỏa thuận nhận tội với Boeing về cáo buộc gian lận năm 2021 hoặc đưa hãng này ra tòa vì cáo buộc gian lận.

Mặc dù vậy, gia đình của các nạn nhân trong hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX bày tỏ "rất thất vọng" khi Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing đạt được thỏa thuận trên, đồng thời tuyên bố sẽ phản đối điều này. Luật sư Robert A. Clifford thuộc công ty Clifford Law - đại diện cho gia đình các nạn nhân khẳng định: "Trong 5 năm qua, nhiều bằng chứng đã được đưa ra để chứng minh rằng văn hóa đặt lợi nhuận lên trên an toàn của Boeing vẫn không thay đổi. Thỏa thuận bào chữa (giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing) chỉ làm sai lệch thêm mục tiêu của hãng này mà thôi".