Ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra đề xuất mức phạt dành cho Boeing, gồm nộp số tiền 244 triệu USD và sẽ bị giám sát các quy trình an toàn của công ty trong ba năm. Boeing cũng cần cam kết chính sách đầu tư mới cho các quy trình cải thiện an toàn, tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo tập đoàn và gia đình các nạn nhân trong hai vụ rơi máy bay 737 MAX. Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Boeing phản hồi trong một tuần. Nếu tập đoàn này không phản hồi, công tố viên sẽ đưa vụ án này ra tòa. Nếu đồng ý nhận tội, nhà sản xuất máy bay hàng đầu sẽ khó tham gia các hợp đồng của chính phủ, chẳng hạn những hợp đồng với quân đội Mỹ, vốn chiếm một phần đáng kể doanh thu của Boeing.
Trước đó, giới chức “xứ cờ hoa” tuyên bố hàng loạt sự cố an toàn và sản xuất gần đây của Boeing đã vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận năm 2021 giữa tập đoàn này và Bộ Tư pháp Mỹ. Đây là thỏa thuận nhằm giúp Boeing tránh các cáo buộc hình sự đối với hai vụ tai nạn chết người của dòng máy bay 737 Max. Đổi lại, Boeing đồng ý trả 2,5 tỷ USD để dàn xếp kết quả điều tra. Tuy nhiên, sau các sự cố trên những chuyến bay sử dụng tàu bay của Boeing, các nhà chức trách đã phát hiện ra một loạt lỗi về chất lượng và lỗ hổng an toàn. Do đó, các công tố viên đã thúc giục Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình cáo buộc hình sự đối với tập đoàn này.
Ông Paul Cassell, luật sư đại diện 15 gia đình có nạn nhân trong hai vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX ở Indonesia và Ethiopia năm 2018 và 2019 cho biết, đã nhận được thông báo từ Bộ Tư pháp Mỹ về hướng giải quyết trách nhiệm hình sự đối với Boeing liên quan hai thảm kịch nói trên. Song, ông Cassell bày tỏ sự không hài lòng về hướng xử lý của Bộ Tư pháp Mỹ, gọi đây là thỏa thuận kiểu "giơ cao đánh khẽ" đối với Boeing. "Thỏa thuận này không thừa nhận Boeing đã có hành động phạm pháp khiến 346 người chết. Gia đình các nạn nhân sẽ phản đối kịch liệt thỏa thuận nhận tội này. Gần 350 người vô tội đã thiệt mạng do lỗi của Boeing và họ xứng đáng được hưởng công lý", ông Cassell khẳng định.
Theo CNN, trong những năm gần đây, Boeing liên tục bị cáo buộc vi phạm các quy định sản xuất an toàn bay. Số người lên tiếng tố giác đã tăng đáng kể từ sự cố bung chốt cửa vào tháng 1 vừa qua. Mới tuần trước, một nhân viên thuộc nhà thầu của Spirit Aerosystems - đối tác sản xuất của Boeing - cho biết, ông đã thông báo cho công ty về những sai sót trong quá trình sản xuất một bộ phận quan trọng của máy bay 787 Dreamliner, có thể gây ra mối nguy hiểm "thảm khốc" đối với các hành khách.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thời gian qua cũng mở nhiều cuộc điều tra về Boeing do những sai sót liên tục về chất lượng và an toàn của hãng này. FAA cho hay, cuộc kiểm tra kéo dài sáu tuần đối với các cơ sở của Boeing được tiến hành từ cuối mùa đông năm ngoái đã phát hiện nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất của Boeing.
Đầu tháng 6, trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing, Dave Calhoun đã lên tiếng xin lỗi về những sai sót gần đây của tập đoàn trong việc sản xuất máy bay, song tuyên bố Boeing không “trả đũa” những người “đưa vấn đề an toàn ra ánh sáng”. Ông Calhoun cũng thừa nhận, trước những sự cố thời gian qua, hãng này sẽ không dễ dàng lấy lại được lòng tin của công chúng.