Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết của Boeing

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing, ông Dave Calhoun (trong ảnh) tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay. Quyết định trên được ông Calhoun đưa ra trong bối cảnh Boeing liên tiếp vướng phải những nghi ngờ trong việc bảo đảm chất lượng máy bay.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: GETTY IMAGES
Ảnh: GETTY IMAGES

Theo CNN, ngày 25/3 vừa qua, Boeing thông báo tập đoàn này sẽ có thay đổi về nhân sự trong thời gian tới. Cụ thể, ông Calhoun dự kiến từ chức vào cuối năm nay. Trong một bức thư gửi nhân viên, ông Calhoun cho biết lựa chọn ra đi là quyết định của bản thân, song vị CEO này sẽ dành thời gian trong vài tháng tới để giải quyết những vấn đề liên quan cải thiện chất lượng máy bay. “Mọi con mắt của thế giới đang đổ dồn vào chúng tôi. Chúng tôi sẽ khắc phục những gì không hiệu quả và sẽ đưa công ty của mình trở lại con đường hướng tới sự phục hồi và ổn định”, CEO Boeing khẳng định.

Ngoài ra, ông Calhoun cũng đại diện Boeing thông báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Larry Kellner không có ý định tái tranh cử tại Đại hội đồng cổ đông hằng năm của Boeing vào tháng 5 tới. HĐQT đã bầu cựu CEO Boeing là ông Qualcomm Steve Mollenkopf là người kế nhiệm. Ông Steve sẽ lãnh đạo quá trình HĐQT lựa chọn người kế nhiệm ông Dave Calhoun. Trong khi đó, ông Stan Deal - người đứng đầu bộ phận kinh doanh máy bay thương mại của Boeing, sẽ từ chức để nhường chỗ cho bà Stephanie Pope - người đang điều hành lĩnh vực dịch vụ toàn cầu của Boeing kể từ ngày 25/3.

Cuộc cải tổ nhân sự quy mô lớn diễn ra trong bối cảnh “gã khổng lồ” sản xuất máy bay phải đối mặt hơn 5 năm khủng hoảng vì sản phẩm không bảo đảm an toàn. Năm 2018 và 2019, hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan máy bay Boeing 737 MAX đã xảy ra khiến 346 người thiệt mạng.

Áp lực tiếp tục tăng lên đối với các lãnh đạo Boeing sau vụ tai nạn ngày 5/1 vừa qua trên chiếc máy bay Boeing 737 MAX 9 mang số hiệu 1282 của Hãng hàng không Mỹ Alaska Airlines, cất cánh từ sân bay Portland, bang Oregon đến thành phố Ontario, bang California. Khi ở độ cao gần 5.000 m, cửa sổ và một cửa thoát hiểm của máy bay đã bung ra. May mắn không có hành khách nào bị thương, song vụ việc đã làm lung lay niềm tin của dư luận cũng như ngành hàng không đối với nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Chưa dừng lại, ngày 11/3, một máy bay Boeing 787 Dreamliner của Hãng hàng không LATAM Airlines (Chile) đã liên tục rung lắc mạnh khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand). Sự cố này khiến 50 hành khách bị thương.

Theo The New York Times, những bê bối liên tục thời gian qua đã khiến một số máy bay 737 MAX của Boeing bị đình chỉ hoạt động tạm thời ở Mỹ, phải đối mặt sự kiểm tra chất lượng an toàn, sau đó là các phiên điều trần tại Quốc hội. Ngày 14/3, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) báo cáo kết quả cho thấy dòng máy bay 737 MAX không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra. FAA cũng cảnh báo các vấn đề an toàn với thiết bị làm tan băng trên các mẫu 737 MAX và 787 Dreamliner có thể khiến động cơ mất lực đẩy.

Sau thông báo từ chức của ông Calhoun, cổ phiếu của Boeing, vốn mất hơn 27% giá trị kể từ đầu năm, đã tăng 4%. Các khách hàng chủ chốt của Boeing hoan nghênh tin tức về việc cải tổ nhân sự của công ty. Theo ông Michael O’Leary, CEO của Hãng hàng không Iceland Ryanair, những thay đổi nhân sự này là “rất cần thiết”. Southwest Airlines, một khách hàng lớn của Boeing “cam kết hợp tác với đội ngũ lãnh đạo mới của hãng này để bảo đảm mỗi máy bay đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất”.

Dù vậy, một số nhà đầu tư lại cho rằng, việc cải tổ sẽ không đủ để giải quyết những vấn đề dai dẳng của Boeing. Không ít nhà đầu tư nhận định rằng, các vấn đề của Boeing mang tính hệ thống và sẽ không có gì thay đổi tốt hơn nếu ban lãnh đạo công ty không thừa nhận những thất bại của họ và cam kết khắc phục chúng một cách triệt để.