Sáng tạo trong giải phóng mặt bằng

Lâu nay, giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn lớn nhất làm chậm tiến độ, đội vốn khi thực hiện các dự án trọng điểm. Đột phá để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng là giải pháp trọng tâm đang được các cơ quan, địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện…
0:00 / 0:00
0:00
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương ký kết giao ước thi đua đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án đường vành đai 3. (Ảnh QUÝ HIỀN)
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương ký kết giao ước thi đua đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án đường vành đai 3. (Ảnh QUÝ HIỀN)

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng, để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng tại dự án đường vành đai 3, Thành ủy thành phố Thủ Đức đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân; giải quyết dứt điểm đơn thư kiến nghị, phản ánh, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Thành ủy thành phố Thủ Đức cũng chỉ đạo cấp ủy chi bộ, đảng bộ cơ sở chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ và nhân dân có nhà, đất trong dự án đường vành đai 3 hiểu được lợi ích hỗn hợp trong quá trình phát triển đô thị của thành phố Thủ Đức, từ đó tích cực tham gia góp ý, xây dựng và đồng thuận chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án đúng tiến độ và không để lấn chiếm, tái chiếm mặt bằng dự án.

Đối với phường có hộ dân bị ảnh hưởng, Thành ủy thành phố Thủ Đức yêu cầu các cấp ủy chi bộ, đảng bộ cần xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án; huy động cả hệ thống chính trị nắm chắc từng hộ gia đình bị ảnh hưởng, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, hợp tác trong thực hiện dự án, có những đề xuất cụ thể cho lãnh đạo quận về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lắng nghe phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện. Các chi bộ trực thuộc cần xây dựng Nghị quyết lãnh đạo đảng viên, phân công nhiệm vụ đảng viên của chi bộ tham gia hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động người dân có nhà, đất bị thu hồi trong dự án.

Đảng ủy Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của từng chi bộ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng ủy viên, đảng viên phụ trách đề xuất giải pháp về Tổ công tác tiếp xúc hộ dân trong quá trình xác lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho từng hộ dân có vướng mắc về pháp lý, có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Thực tế, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới, đột phá. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã ký kết giao ước thi đua với các địa phương nơi có dự án đi qua với quyết tâm đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án đường vành đai 3. Theo đó, thành phố Thủ Đức và huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn đều cam kết đến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70%, tháng 12/2023 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Trung Trực cho biết, việc ký kết giao ước thi đua có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến thành công của việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đường vành đai 3. Thành phố coi đây là dự án kiểu mẫu cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sẽ được áp dụng chung cho tất cả các dự án khác trên địa bàn thành phố kể từ năm 2023 trở về sau.

Sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt ranh dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đã phối hợp các sở, ngành và chính quyền các huyện, thành phố, các phường, xã liên quan khẩn trương triển khai công tác cắm mốc và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Để bảo đảm quyền lợi của người dân tại dự án này, các đơn vị chức năng sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân trong việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng đối với phần đất còn lại sau khi thu hồi đất. Cùng với đó, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký biến động giảm diện tích để người dân được sớm nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có thể thực hiện được ngay các quyền của mình.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết nhưng không bỏ quên quyền lợi chính đáng của người dân. Các sở, ngành, địa phương của thành phố phải tiến hành điều tra xã hội học để nắm chắc thông tin, hiểu được tâm tư, tình cảm của người dân; từ đó tiến hành đền bù, hỗ trợ thực hiện tái định cư, giải quyết các vấn đề phát sinh khác phù hợp với nguyện vọng của người dân. Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là người dân phải được đền bù, hỗ trợ tương xứng; sau khi bàn giao đất thực hiện dự án, người dân phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…

Dự án đường vành đai 3 dài 76km đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đoạn đi qua Thành phố Hồ Chí Minh dài 47km thuộc thành phố Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.