Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác xả lũ Nhà máy thủy điện Hòa Bình

NDO -

Ngày 17/6, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra thực địa tại cụm công trình đầu mối thủy điện Hòa Bình và khu vực hạ du hồ Hòa Bình.

Bộ trưởng lê Minh Hoan (giữa) tại thực địa đỉnh đập Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Bộ trưởng lê Minh Hoan (giữa) tại thực địa đỉnh đập Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình báo cáo công tác triển khai bảo đảm an toàn khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 5 cửa xả đáy, đến thời điểm 7 giờ sáng 17/6, mực nước giao động trong khoảng 18,03m, chênh lệch so 7 giờ sáng 12/6 là 6,23m (ngày 12/6, 11,8m), thấp hơn báo động I là 1,97m (báo động I, 20m); lưu lượng về hồ là 7.344m3/giây, lưu lượng xả 10.464m3/giây (xả qua cửa, 8.033m3/giây, xả qua tổ máy, 2.411m3/giây).

Tỉnh Hòa Bình có 4 công trình đang thi công thuộc trọng điểm xung yếu cần bảo vệ các tuyến đê cấp III; 2 điểm xung yếu cho các tuyến đê cấp IV được Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình phê duyệt phương án. Có khoảng 106 lồng nhỏ nuôi cá dọc bờ sông Đà. Việc nuôi trồng đã được khuyến cáo người dân kéo vào khu vực tĩnh nước, thu hoạch sớm…

Khu vực làng chài 72 hộ với 145 nhân khẩu tại tổ 14, phường Thịnh Lang, hiện tại đã được cố định, neo vào bến đảm bảo an toàn. Khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, thiệt hại khoảng 3 tấn cá các loại. Một số điểm sụt lún nhỏ và nguy cơ sạt lở đã có phương án không để người dân đến gần khu vực nguy hiểm.

Hiện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình và các đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác cảnh giới, cập nhật tình hình thiệt hại (nếu có), theo dõi ảnh hưởng của việc xả lũ đập thủy điện Hòa Bình, thường xuyên cập nhật báo cáo các cơ quan cấp trên.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vừa qua sự phối hợp giữa cơ quan khí tượng thủy văn; Tổng cục Phòng, chống thiên tai; tỉnh Hòa Bình và Tập đoàn Điện Lực Việt Nam rất nhịp nhàng, bảo đảm an toàn đê đập, hạ du, sinh kế, tài sản, tính mạng của nhân dân và an toàn Thủ đô Hà Nội. Việc vận hành liên hồ chứa thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La, và thủy điện Hòa Bình một lúc phải bảo đảm cân bằng 3 mục tiêu: vừa cấp nước, vừa cắt lũ và phát điện.  

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chúng ta xả lũ trước thời điểm mùa lũ, chúng ta làm sớm hơn, chủ động hơn, đó là chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ và phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục chủ động ứng phó thiên nhiên. Cần dự báo kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan về vận hành liên hồ chứa, bảo đảm mức cao nhất việc cắt lũ, xả lũ trong mọi tình huống...

Chiều nay, vào lúc 16 giờ, chúng ta đã thống nhất đóng 1 cửa xả lũ Nhà máy thủy điện Sơn La và 1 cửa Nhà máy thủy điện Hòa Bình; sắp tới, sau nhiệm vụ cắt lũ phía dưới hạ lưu, đề nghị đơn vị khí tượng thủy văn cần số hóa mọi thông tin một cách nhanh nhất để tất cả mọi người dân nắm được bởi có rất nhiều người dân sinh sống, các bến đò ngang, đò dọc, lồng bè trên hồ, trên sông.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác xả lũ Nhà máy thủy điện Hòa Bình -0
 Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại buổi làm việc.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp kịp thời công tác chỉ đạo; tăng cường thiết bị theo dõi giám sát để đóng mở nhịp nhàng một cách thông suốt. Bên cạnh đó, cần đưa ra các kịch bản, phân tích các dữ liệu nhằm chủ động chính xác hơn, kịp thời hơn trong công tác phòng, chống thiên tai... Khi vào mùa mưa bão, phải có phương án kịp thời, kể cả trong đêm tối để huy động nhân lực, vật lực ứng phó...

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng lê Minh Hoan đã đi kiểm tra làng chài tại phường Thịnh Lang, thành phố Hòa Bình và một số trọng điểm xung yếu tại huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.