Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Chậm tiến độ do thiếu vốn
Trong phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của con đường mang tên Bác trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, thông thương hàng hóa và bảo đảm quốc phòng, an ninh những nơi mà dự án đi qua.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành, một số đoạn tuyến đang trong quá trình triển khai còn dở dang, một số đoạn tuyến chưa được triển khai thực hiện.
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2004/NQ-QH11, Nghị quyết số 66/2013/QH13; Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Giao thông vận tải đã rất quyết liệt triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng cho biết, giai đoạn từ năm 2000-2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt. Giai đoạn 2011-2015, dự án cũng được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ chủ trương khởi động lại những dự án giãn tiến độ và tập trung dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ để thực hiện.
Một nguyên nhân chậm tiến độ khác nữa, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn... Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng… Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ, ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.
Bố trí nguồn lực, bảo đảm thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn rằng, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết.
Nêu quan điểm về kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đầu 4 dự án thành phần đã xác định được nguồn vốn và 1 dự án thành phần chuyển tiếp với quy mô 2 làn xe.
Về dự án thành phần đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến dài 87,5km chưa có kế hoạch đầu tư, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 2 làn xe để bảo đảm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Có chung quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh, không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030, có như thế, tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của các vùng, các địa phương có dự án đi qua, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về nguồn vốn triển khai dự án trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án đường cao tốc hiện nay thực hiện theo Luật Đầu tư công và đã được bố trí đủ nguồn lực, chứ không như giai đoạn trước đây là bố trí nguồn lực theo khả năng, theo giai đoạn, do đó, những dự án đủ vốn mới triển khai. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương, giai đoạn sắp tới dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án khác sẽ được thực hiện theo đúng tiến độ.
Theo Bộ trưởng, hiện nay đã bố trí vốn cho hai đoạn Chợ Chu-ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận đi qua các địa phương với 4.450 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị các địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, đồng hành cùng Bộ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Riêng đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ lập hồ sơ ngay trong năm 2022, tranh thủ các nguồn lực, trong đó có những nguồn có thể có trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới để đầu tư…
Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu, khẳng định sẽ quan tâm đặc biệt đến đường ngang kết nối đường cao tốc, kết nối đường Hồ Chí Minh với các trục lộ khác để phát huy đồng bộ hệ thống giao thông. Đồng thời, quan tâm công tác bảo đảm môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là những đoạn đường đi qua các khu đô thị….