Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

NDO -

Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Ảnh: Thành Đạt
Ảnh: Thành Đạt

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn/2019) sẽ giảm cả/khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả/khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1/là 2.661,6 tỷ đồng/tháng).

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Công thương ngày 8/3/2022 cũng có công văn số 1155/BCT-TTTN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tiết kiệm xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 8/2/2022; chỉ đạo của Bộ Công thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022, cuộc họp ngày 9/2/2022, Công văn số 593/BCT-TTTN ngày 10/2/2022 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu và chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố được yêu cầu thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu..., trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới.

Bộ Công thương yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.