Bổ nhiệm Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long làm Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông

NDO -

Chiều 6/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Phạm Đức Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Phạm Đức Long.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Phạm Đức Long.

Dự lễ công bố có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức T.Ư, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn VNPT.

Tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông thay mặt Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 1389/QĐ-TTg ngày 6/8/2021 của Thủ tưởng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm có thời hạn đồng chí Phạm Đức Long giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Tiếp đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ cho tân Thứ trưởng Phạm Đức Long.

Đồng chí Phạm Đức Long sinh ngày 27/5/1970. Đồng chí được đào tạo cơ bản về điện tử, viễn thông (Kỹ sư Điện tử tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh; Thạc sĩ, Tiến sĩ Điện tử - Viễn thông tại Đại học Điện tử Viễn thông Tokyo, Nhật Bản). Đồng chí có năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp, có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, tài chính, quản trị.

Đồng chí Phạm Đức Long là cán bộ có gần 30 năm công tác liên tục trong lĩnh vực viễn thông; lần lượt trải qua các vị trí: Kỹ sư hệ thống; Quản lý kỹ thuật, chuyên viên, Trưởng phòng Bưu điện TP Hồ Chí Minh (từ tháng 9-1992 đến tháng 3-2009); Phó Giám đốc Viễn thông TP Hồ Chí Minh (từ tháng 4-2009 đến tháng 2-2012); Giám đốc Viễn thông TP Hồ Chí Minh (từ tháng 3-2012 đến tháng 12-2013); Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (từ tháng 12-2013 đến tháng 3-2015); Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT (từ tháng 4-2015 đến tháng 6-2020); Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT (từ tháng 6/2020 đến nay).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Đức Long bày tỏ cảm ơn đối với sự tin tưởng giao trọng trách của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời hứa sẽ nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu giao nhiệm vụ tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, là một cán bộ được đào tạo cơ bản, có chuyên môn sâu, trưởng thành trong ngành viễn thông với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và tinh thần quyết liệt, tân Thứ trưởng Phạm Đức Long sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng và Chính phủ đã tin tưởng giao phó.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ cho tân Thứ trưởng đóng vai trò hạt nhân dẫn dắt, nhanh chóng thúc đẩy chuyển dịch hạ tầng viễn thông của đất nước sang hạ tầng số, đưa Việt Nam đến năm 2025 vào nhóm các nước top 30 về hạ tầng số của thế giới. Bộ trưởng cũng kỳ vọng tân Thứ trưởng sẽ lãnh đạo, tìm ra một thời kỳ tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, tăng trưởng ít nhất gấp đôi trong vòng năm năm tới.

Bên cạnh thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tạo điều kiện tốt nhất để đồng chí Phạm Đức Long hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, hoàn thành công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển trước năm 2045.