Báo cáo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác cải cách tư pháp năm 2022 và quý 1/2023 do đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tiếp tục được tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh. Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện mới 14 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có 8 vụ việc, vụ án tham nhũng và 6 vụ việc, vụ án kinh tế, tiêu cực.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; chỉ đạo ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, kế hoạch công tác. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 37 tổ chức và 23 đảng viên về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc. |
Công tác phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Tỷ lệ điều tra khám phá án ở mức cao, đặc biệt là án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; việc truy tố, xét xử các vụ án hình sự tuân thủ đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai. Lực lượng chức năng đã điều tra làm rõ 676/766 vụ, bắt 880 đối tượng; trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm rõ 117/120 vụ, đạt tỷ lệ 97,5%.
Công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và điều tra, giải quyết án tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp được tăng cường nhằm bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Bình Thuận đã triển khai 150 cuộc thanh tra, qua đó phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế 43,3 tỷ đồng, hơn 1.240ha đất; kiến nghị kiểm điểm đối với 67 tập thể và 164 cá nhân, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 4,25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm như: tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp; tội phạm giết người, xâm hại tình dục trẻ em, ma túy, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, dùng hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn còn nhiều. Vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường, rừng còn xảy ra ở một số nơi; tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng phát sinh với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Tình trạng đơn, thư khiếu kiện liên quan đến đất đai, đến bù, giải phóng mặt bằng còn xảy ra nhiều. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội nhất là trên lĩnh vực đất đai còn thiếu sót, bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư các dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai chưa kịp thời, quyết liệt. Tiến độ điều tra, xác minh một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác cải cách tư pháp của Bình Thuận năm 2022 và Quý I/2023. |
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác cũng được nghe các ý kiến bổ sung của lãnh đạo các cơ quan và ngành của tỉnh Bình Thuận, cũng như các ý kiến của các thành viên trong Đoàn.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế-xã hội; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác cải cách tư pháp của tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.
Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh, Bình Thuận cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về công tác an ninh quốc gia, nhất là các Chỉ thị, Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, triển khai đầu tư các dự án…
Đồng thời, phải căn cứ vào thực tiễn để giải quyết; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án xây dựng lực lượng nòng cốt để đối phó các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; đề án bảo đảm điều kiện làm việc cho lực lượng công an xã; chỉ đạo, phối hợp, rà soát và phát huy các lực lượng; phối hợp giữa ba lực lượng công an, quân sự, biên phòng về giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh trật tự; rà soát bổ sung, chấp hành nghiêm các quy định, quy chế về lĩnh vực công tác; quản lý cán bộ đảng viên và giữ bí mật nhà nước.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý nhà nước hơn nữa trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, nhất là: đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, y tế… đồng thời gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực; tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm không gian mạng; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người, xâm phạm tình dục trẻ em, tội phạm ma túy, khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm các quy định về quản lý rừng; tiếp tục quan tâm lãnh đạo chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp của các cơ quan nội chính và việc các cơ quan nội chính, các cấp các ngành bảo đảm chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp (luật gia, luật sư, giám định, định giá, công chứng, thừa phát lại). Đẩy nhanh tiến độ chất lượng xử lý các vụ án, vụ việc. Quan tâm giải quyết các khiếu nại, tố cáo, hoạt động tư pháp; kiểm tra, giám sát của các cơ quan tư pháp. Dứt khoát không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó, rà lại các quy định, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đảm bảo phù hợp chưa; quan tâm xử lý các vấn đề liên quan đến vướng mắc của các cơ quan; dứt khoát không để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật; bảo đảm phối hợp các ngành để xử lý các vụ án tham nhũng tiêu cực nghiêm minh, đồng bộ, kịp thời. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn còn kéo dài; xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới; tạo điều kiện cung cấp hồ sơ tài liệu cho các cơ quan điều tra của Bộ Công an đang điều tra.
Đồng chí cũng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh về việc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc đang thụ lý, giải quyết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm ổn định tâm lý xã hội và tâm trạng của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; các vụ việc cơ quan điều tra Bộ Công an đang điều tra chưa khởi tố thì đề nghị giao cho tỉnh để xử lý; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm sớm kết luận giám định đối với những vụ án, vụ việc mà các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận trưng cầu giám định, gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” xảy ra tại dự án đường Lê Duẩn, thành phố Phan Thiết; vụ việc liên quan đến giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank).