Bình Thuận gỡ vướng nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc

NDO -

Chiều 6-4, tại TP Phan Thiết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu và các chủ mỏ để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền phục vụ thi công cao tốc bắc - nam đoạn qua tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong chủ trì buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc đoạn qua Bình Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong chủ trì buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc đoạn qua Bình Thuận.

Dự án đường cao tốc bắc-nam đi qua Bình Thuận gồm có hai dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, có tổng chiều dài hơn 148 km. Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải (GTVT)) đại diện chủ đầu tư; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 47,67 km do Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (Bộ GTVT) đại diện chủ đầu tư.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của dự án là 11,7 triệu m³, trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết 9,2 triệu m³, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây 2,5 triệu m3.

Đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trên địa bàn dự án đi qua có 22 mỏ cung cấp vật liệu đất đắp, trong đó có chín mỏ có giấy phép khai thác và 13 mỏ chưa có giấy phép khai thác (trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đang thực hiện cấp phép). Trong đó, đủ điều kiện cung cấp khoảng 4,03 triệu m3, bao gồm 16 mỏ đất, đá tầng phủ khoảng 2,83 triệu m3 và dự kiến tận dụng vật liệu đá từ nền đào, nghiền làm vật liệu đắp nền khoảng 1,2 triệu m3. Còn thiếu khoảng 5,17 triệu m3. Nếu tính luôn trữ lượng của sáu mỏ đang làm thủ tục cấp phép trữ lượng khoảng 4,54 triệu m3 thì vẫn còn thiếu 0,6 triệu m3. Hiện, các nhà thầu đã ký hợp đồng cung cấp đất đắp với bốn mỏ với trữ lượng khoảng 681.200 m3.

Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc đoạn qua tỉnh -0
 Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) giải trình nhu cầu đất đắp của Dự án và kiến nghị tháo gỡ vướng mắc.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, về cơ bản nhà thầu đã ký kết hợp đồng với các mỏ có vật liệu đất đắp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án và đủ điều kiện pháp lý cung cấp. Các mỏ còn lại do không có vật liệu đất đắp hoặc chưa đủ pháp lý nên chưa triển khai ký kết hợp đồng. Nhu cầu vật liệu đất đắp tập trung trong giai đoạn rất ngắn, từ nay đến khoảng tháng 10-2021 để hoàn thiện nền đường. Với nhu cầu phải cần có 9,2 triệu khối đất đắp, bình quân một tháng phải cần từ một đến hai triệu khối, với thực trạng các mỏ vật liệu đất đắp như hiện hữu không thể đáp ứng khi dự án triển khai đồng loạt.

Đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận, nhu cầu đất đắp khoảng 2,5 triệu m3. Trên địa bàn dự án đi qua có 11 mỏ, trong đó có năm mỏ có giấy phép khai thác và sáu mỏ chưa có giấy phép khai thác, khối lượng gần 6,9 triệu khối, phân loại thành ba loại: 4,89 triệu m3 đất; 1,82 triệu m3 đất lẫn đá và 185.781 m3 đá phong hóa.

Theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long, chỉ có hai mỏ (một mỏ đất chưa được cấp phép tại xã Tân Đức, một mỏ đất tầng phủ đang khai thác tại mỏ đá Tân Xuân, huyện Hàm Tân) với trữ lượng đất khoảng 800 nghìn m3 là đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án, khối lượng còn lại là đất lẫn đá và đá phong hóa không sử dụng được theo tiêu chuẩn của dự án. Nhà thầu Gói thầu số 1-XL đã ký hợp đồng nguyên tắc với ba mỏ với trữ lượng 389.942 m3 đất đắp; còn lại nhà thầu số 2-XL chưa ký hợp đồng với mỏ nào.

Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc đoạn qua tỉnh -0
 Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận phân tích nguyên nhân sự thiếu hụt nguồn vật liệu trên thực tế so với Hồ sơ thiết kế ban đầu.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết, trong bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công cao tốc, nhu cầu đất đắp nền gồm có: đất cấp III, đất lẫn đá và đá phong hóa với tổng trữ lượng khoảng 29 triệu khối. Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng 22 triệu khối; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây gần 6,9 triệu khối. Với khối lượng này thì đủ khả năng cung cấp làm cao tốc. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, ý kiến của các chủ đầu tư, khối lượng đất lẫn đá và đá phong hóa không bảo đảm yêu cầu làm vật liệu đắp nền theo yêu cầu kỹ thuật của dự án (tuy đã bảo đảm chỉ tiêu cơ lý nhưng không bảo đảm kích cỡ của đá lẫn đất). Trong khi khối lượng đất lẫn đá và đá phong hóa của các mỏ là rất lớn. Vì vậy, nhu cầu đất đắp của dự án tăng lên so với thiết kế kỹ thuật. Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tăng hai triệu khối; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tăng khoảng 0,8 triệu khối.

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Bình Thuận nêu lên thực tế, trước đây, các mỏ được cấp phép trữ lượng nhỏ chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu địa phương. Nhưng bây giờ, khi thi công cao tốc, nhu cầu sử dụng vật liệu đất đắp rất cao. Vì vậy, muốn có đủ khối lượng để cung cấp thi công cao tốc thì chủ đầu tư, nhà thầu và chủ mỏ phải cùng làm việc, hợp tác với nhau thực hiện các thủ tục trình cơ quan chức năng xin nâng công suất, quy mô khai thác cũng như xin mở rộng mỏ thì từ đó mới có thể đẩy nhanh cung cấp nguồn vật liệu đất đắp thực hiện dự án được.

Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc đoạn qua tỉnh -0
Ông Ngô Văn Kỷ, chủ mỏ Núi Đất, huyện Tuy Phong trình bày ý kiến tại cuộc họp.  

Tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Kỷ, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư tài nguyên Thắng Thiện, chủ mỏ đất Núi Đất, huyện Tuy Phong nêu trăn trở của các chủ mỏ, đất ở mỏ qua thí nghiệm đạt chất lượng và có chứng nhận, nhưng một số nhà thầu lại nói không đạt chất lượng, không mua mà đòi đi mua đất chỗ khác rẻ hơn. Trong khi các chủ mỏ rất cần tiền, nếu nhà thầu tìm gặp chủ mỏ thương lượng giá cả với tinh thần thiện chí thì các chủ mỏ sẵn sàng ký hợp đồng bán với giá phù hợp, rất cạnh tranh và không tăng giá phi lý.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7, đại diện cho chủ đầu tư cam kết, nguồn vật liệu mà các nhà thầu mua để phục vụ thi công cao tốc phải có nguồn từ các mỏ hợp pháp cung cấp, chủ đầu tư không chấp nhận nguồn vật liệu không có đủ điều kiện pháp lý hoặc mua trôi nổi từ các nguồn không hợp pháp.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu, các chủ đầu tư kiến nghị với UBND tỉnh Bình Thuận cùng các sở, ngành chức năng xem xét cấp phép mở rộng và nâng công suất mỏ để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp đối với mỏ đang khai thác; đối với các mỏ đã đấu giá cấp quyền khai thác, các mỏ đang làm thủ tục gia hạn cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác trong thời gian sớm nhất bảo đảm nguồn cung ứng vật liệu cho dự án; đối với các mỏ trong quy hoạch chưa đấu giá cấp quyền khai thác cần sớm triển khai các thủ tục đấu giá đưa vào khai thác nhằm tăng nguồn cung vật liệu cho dự án.

Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc nguồn vật liệu đất đắp nền thi công cao tốc đoạn qua tỉnh -0
Thi công gói thầu XL-01, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). 

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho rằng, về cơ bản nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công cao tốc tuyến qua tỉnh không thiếu, có thể giải quyết được. Đề nghị hai ban QLDA làm việc với các cơ quan chức năng của bộ để sớm giải quyết kiến nghị liên quan cấp tiêu chuẩn đất lẫn đá, kể cả nguồn đá tận dụng để xay. Phối hợp cùng sở, ngành có liên quan làm việc với các chủ mỏ xác định chính thức mỏ nào cần nâng công suất, quy mô cần lấy, mỏ nào cần đề xuất đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác. Các sở, ngành chức năng của tỉnh, phải hướng dẫn tất cả các chủ mỏ các trình tự thủ tục xin nâng công suất, nâng quy mô, các thủ tục đến khi cấp phép bảo đảm nhanh nhất, theo quy định của pháp luật. Làm thủ tục cấp phép đối với các mỏ cung cấp vật liệu cho cao tốc phải xong trong quý II-2021

Các chủ mỏ cần chủ động làm việc ngay với các chủ đầu tư, các nhà thầu trên tinh thần hợp tác tiếp tục khảo sát, thí nghiệm để xác định nhu cầu khối lượng nguồn vật liệu cần sử dụng trên tinh thần tích cực tìm khách hàng mua hàng. Phối hợp Tổ công tác liên ngành của tỉnh, Sở TN-MT để làm thủ tục nâng quy mô công suất khai thác hoặc thủ tục cấp phép khai thác, phấn đấu hoàn thành xong trong quý II để khai thác trong quý III-2021.

Các địa phương cố gắng tháo gỡ vướng mắc cho các chủ mỏ trong các thủ tục giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tính pháp lý, ưu tiên cho các mỏ phục vụ cung cấp đất đắp nền cho thi công cao tốc đi qua địa bàn.