Theo Sở Công thương Bình Thuận, các công ty cổ phần điện nông thôn huyện được thành lập từ các ban điện xã. Những công ty này đáp ứng được các yêu cầu của Luật Ðiện lực, hoạt động có hiệu quả nên sở tham mưu cho tỉnh không bàn giao cho ngành điện.
Tuy nhiên, tại những thôn, xã mà chúng tôi có dịp đến tìm hiểu tình hình cho thấy hệ thống lưới điện ở đây được xây dựng chắp vá, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Mặt khác, quá trình vận hành, khai thác sử dụng lưới điện hầu như không được sửa chữa, nâng cấp, cho nên lưới điện xuống cấp, chất lượng điện không bảo đảm, mất an toàn.
Ðặc biệt ở xã Liên Hương, một xã ven biển của huyện Tuy Phong, mật độ dân số đông chẳng kém gì phố cổ Hà Nội, nơi được đánh giá là lưới điện hạ thế chuẩn, chúng tôi thấy rất nhiều cột điện hạ thế xiêu vẹo, dây điện bị chùng võng; một số cột điện oằn lưng cõng hàng trăm đầu dây ra các hộ, chỉ cần một điểm đấu xì xoẹt sẽ thiêu cháy cả búi dây.
Ông Mai Văn Lô cho biết, ông chỉ có một máy công cụ sửa chữa vặt cho bà con lối xóm mà bị áp giá kinh doanh 50%. Có tháng gia đình ông chỉ sử dụng có 161 kWgiờ mà cũng bị áp giá kinh doanh tới 80 kWgiờ. Ông Lê Khắc Lư ở xã Chí Công, huyện Tuy Phong phản ánh: Muốn mắc điện kế mới phải chi phí cả dây trước và sau điện kế và phải mua của công ty, không được mua nơi khác nên giá thành rất cao. Trong khi đó, em của ông mua điện của công ty điện lực chỉ phải trả chi phí sau điện kế.
Thuận Minh là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc, lưới điện hạ thế cũng rất xập xệ manh mún, cột đỡ dây trục chính phần lớn được làm bằng cành cây, dây sau công-tơ của các hộ kéo dài hàng trăm mét, thậm chí có nơi dài đến hàng cây số. Chị Huỳnh Thị Kim Lệ mới về ngụ cư tại thôn Coke cho biết, khi mới về đây, gia đình chị cũng phải đầu tư cho đường điện gần ba triệu đồng, nhưng điện kế của nhà chị được đặt mãi tận đầu thôn, mỗi khi dây điện bị đứt, chồng chị phải tự nối lấy. Chị cho biết, gia đình hàng xóm của chị còn phải chi phí hàng chục triệu đồng để có điện.
Theo Luật Ðiện lực, Sở Công thương sở tại có trách nhiệm kiểm tra các tổ chức kinh doanh phân phối điện trên địa bàn để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm của các tổ chức kinh doanh về giá điện và an toàn lưới điện... Song ở năm công ty cổ phần điện nước của năm huyện nêu trên thì Chủ tịch Hội đồng quản trị các công ty là Phó Chủ tịch UBND huyện, riêng Công ty cổ phần điện nông thôn huyện Tuy Phong là Chủ tịch UBND huyện. Với cơ chế này, liệu phòng quản lý điện của Sở Công thương có vào kiểm tra nổi không chứ chưa nói tới Phòng Công thương của huyện. Do vậy, lưới điện hạ áp do các công ty này quản lý không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, việc áp giá điện cũng không ai kiểm tra nên dễ tạo khe hở cho việc kinh doanh của các công ty này, cuối cùng người chịu thiệt thòi là người nông dân.
Bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn cho ngành điện quản lý là một chủ trương lớn và đúng đắn của Chính phủ, được các địa phương trên cả nước thực hiện nghiêm túc. Theo thống kê mới nhất, đến thời điểm này, gần 97% số tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc bàn giao. Sau khi tiếp nhận, ngành điện đã chi phí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư nâng cấp và cung cấp các dịch vụ để người dân được sử dụng điện an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng điện áp. Ðược biết, nhiều năm qua, Tổng công ty Ðiện lực Miền Nam đã có nhiều cuộc làm việc với tỉnh Bình Thuận về bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện song cho đến nay mọi việc vẫn chưa được triển khai đầy đủ. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cần sớm có quyết sách bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của năm huyện nêu trên cho ngành điện, để người dân được sử dụng điện an toàn hiệu quả.
Bài và ảnh: MINH HUỆ