Bình Thuận cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững

Ngày 31/8, tại thành phố Phan Thiết, tiếp tục chuyến công tác tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Ủy ban tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong báo cáo với Đoàn công tác Chính phủ tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng 8 tháng năm 2022 của tỉnh; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 2,77%; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả rất đáng trân trọng trong 8 tháng qua.

Thủ tướng cũng chỉ ra những những tồn tại của Bình Thuận là chưa biến tiềm năng thành động lực, nguồn lực cho phát triển nhanh, phát triển xanh, phát triển bền vững. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Xây dựng hạ tầng chưa tập trung có trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải, chưa tập trung quyết liệt xây dựng sân bay, xây dựng cảng biển đón khách. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, mất cân đối.

Bình Thuận cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Thuận cần phải quán triệt quan điểm về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm và thời gian tới. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thành các chương trình, công việc cụ thể.

Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, phát triển nhanh, phát triển bền vững. Muốn làm được thì phải tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, điều hành thực hiện; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế chính sách; bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là phải phục vụ cho phát triển nhanh, phát triển xanh, phát triển bền vững.

Phải theo sát tình hình, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện cho tốt. Kiên định mục tiêu tiên quyết, nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả trong điều hành cho phù hợp với tình hình.

Tỉnh Bình Thuận phải xác định có trọng tâm, trọng điểm, biết chọn việc, chọn việc nào trước việc nào sau, chọn việc làm ít nhưng tác động nhiều. Thống nhất nhận thức và hành động với phương châm: quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao trình độ cấp dưới, cá thể hóa trách nhiệm để làm tốt các công việc.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Thuận phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, dân chủ để không bị kỷ luật. Triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 38; mua trang thiết bị, vật tư y tế phải đấu thầu, đấu giá nghiêm túc; tập trung mua sắm không để thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, tiêm vaccine phòng Covid-19 theo đúng quy định của Chính phủ.

Bình Thuận phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là 3 Chương trình mục tiêu, Chương trình phục hồi. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định và 3 trụ cột kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tỉnh Bình Thuận cần tập trung mọi kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, để phục vụ phát triển nhanh, xanh, bền vững. Trước hết là tập trung cho sân bay; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số PCI, Par Index, PAPi, SIPAS; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện an sinh xã hội, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường; tiếp tục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo của tỉnh.

Bình Thuận tập trung làm công tác quy hoạch, quy hoạch điện gió, điện mặt trời, năng lượng Hydrogen, hạn chế hoặc đàm phán lại với các đối tác đầu tư điện khí LNG chuyển đổi sang điện gió hoặc điện mặt trời. Quy hoạch mở rộng thành phố Phan Thiết...

Về các đề xuất, kiến nghị của Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ có liên quan phối hợp với tỉnh để thực hiện trên tinh thần không dàn trải; đã làm phải làm cho nhanh.

Về kiến nghị của Bình Thuận đầu tư Dự án hồ La Ngà 3, Thủ tướng cho rằng hồ La Ngà 3 rất quan trọng và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại đầu tư công để tính toán, cân nhắc đầu tư cho công trình này.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại tác động môi trường của tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân để xử lý nhanh vấn đề này...