Bình Phước nỗ lực tạo đà tăng trưởng

Với nhiều lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, đồng thời chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, Bình Phước đã tạo được sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Trung tâm Ðiều hành thông minh tỉnh Bình Phước.
Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Trung tâm Ðiều hành thông minh tỉnh Bình Phước.

Nhiều thế mạnh...

Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với diện tích 6.877 km2, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Tây Ninh và Vương quốc Campuchia, có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới; là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Tây Nguyên và với quốc tế, nhất là với Campuchia, Lào, Thái Lan. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại, như: tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, ÐT.741, thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Với diện tích lớn nhất miền nam (hơn 687 nghìn héc-ta, trong đó đất nông nghiệp là hơn 616 nghìn héc-ta, đất phi nông nghiệp gần 71 nghìn héc-ta), cộng với khí hậu ôn hòa rất thuận lợi để trồng các cây công nghiệp dài ngày như cao-su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Lợi thế này được minh chứng khi Bình Phước là trung tâm của cả nước về cây cao-su, cây điều (cao-su 247.000 ha, điều hơn 141.000 ha). Ngoài ra, tỉnh có thuận lợi là quỹ đất sạch rộng lớn của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam có thể giao về cho địa phương để phát triển các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị.

Cùng với đó, Bình Phước có nguồn nhân lực dồi dào, dân số toàn tỉnh đạt một triệu người; trong đó, lực lượng lao động của tỉnh là hơn 617 nghìn người, chiếm tỷ lệ 61%. Dân số Bình Phước hiện tại là dân số vàng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, đây có thể xem là lợi thế so sánh của Bình Phước với các địa phương khác cũng như bình diện chung của cả nước khi cơ cấu dân số trẻ hơn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, hiện nay, tỉnh mời gọi các nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín như Công ty cổ phần FPT để xây dựng trường liên cấp có chất lượng cao (Trường đại học hoặc phân hiệu đại học); quan tâm phát triển các cơ sở đào tạo giáo dục dạy nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đang có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nơi; quy hoạch các dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; xây dựng bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hóa để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Nỗ lực vươn lên

Ngày 24/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1489/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Bình Phước được xây dựng phù hợp định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025.

Việc Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là động lực để Bình Phước phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế; đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tiếp cận, nắm bắt, tận dụng hiệu quả các thành tựu, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo đột phá, lợi thế phát triển.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Ðông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; bảo đảm quốc phòng-an ninh vững chắc; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Ðể đạt được mục tiêu trên, Bình Phước cần chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Ðể thực hiện thành công mục tiêu đề ra, Bình Phước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển du lịch; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh; xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tăng cường xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, Bình Phước đang ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, đường cao tốc Gia Nghĩa (Ðắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản; phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, Bình Phước cũng đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng như cầu phát triển của tỉnh. Trong cải cách thủ tục hành chính, tỉnh đẩy nhanh hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, Bình Phước sẽ sớm trở thành cực tăng trưởng của vùng Ðông Nam Bộ.