Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những giải pháp phát triển bền vững.
Trước mắt, các tổ chức sẽ phải thay đổi phương thức làm việc, học tập, lao động sản xuất và tái cấu trúc năng lực của nhân sự để tương thích với những kỹ năng số cũng như thử nghiệm phương thức mới để hoạt động một cách hiệu quả nhất. Do đó, các nhà lãnh đạo cần khuyến khích thử nghiệm, sẵn sàng làm gương và thay đổi trong toàn bộ tổ chức. Với vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo còn là người truyền cảm hứng và xây dựng văn hóa chuyển đổi số trong tổ chức.
Hiện, Bình Phước đang đẩy mạnh xây dựng chính sách đầu tư, thu hút, bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp tăng cường kỹ năng sử dụng các ứng dụng số cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Tháo gỡ những lực cản “ngại thay đổi” về thói quen, hành vi của người dân trên môi trường số như: Rà soát thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tuyên truyền, phổ biến cho người dân về kỹ năng số, các ứng dụng, tiện ích số; hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, thực hiện các giao dịch thanh toán nghĩa vụ thuế, tiền điện, nước, viễn thông... trên môi trường điện tử; hỗ trợ nông dân mua bán, giao dịch trên môi trường số, trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh Bình Phước đã thỏa thuận, ký kết với Công ty Cổ phần FPT hợp tác với nhiều nội dung quan trọng về chuyển đổi số. Trong đó, hai bên phối hợp triển khai thực hiện các nội dung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Phước về chuyển đổi số đến năm 2025 phù hợp khả năng của tỉnh Bình Phước và thế mạnh của Công ty Cổ phần FPT. Thống nhất triển khai các nội dung để phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo tập trung của tỉnh; hỗ trợ tỉnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực công nghệ, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin.
Nghiên cứu hợp tác đầu tư Tổ hợp giáo dục công nghệ, bao gồm: Trường đại học, cao đẳng, phổ thông và trung tâm sản xuất phần mềm tại tỉnh. Hợp tác trong việc xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo cho các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin) trong hệ thống chính trị tỉnh, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số.
Hai bên cũng thống nhất nghiên cứu triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Phước. Tổ chức chương trình giúp doanh nghiệp và hộ gia đình bán sản phẩm của Bình Phước ra toàn quốc thông qua nền tảng thương mại điện tử. Triển khai gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trong việc tư vấn chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số.
Phối hợp tổ chức nghiên cứu các bộ chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index); chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... để tìm ra những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho tỉnh Bình Phước; hỗ trợ tỉnh định kỳ đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số theo các tiêu chí tuân thủ các bộ chỉ số nói trên.