Bình minh Cô Tô

Vững vàng nơi đầu sóng, như một dũng sĩ ngày đêm vươn khơi, bám biển, là huyện đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh, kể từ khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo tháng 10/2013, đời sống của người dân Cô Tô đổi thay từng ngày. Xác định du lịch là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển, thế mạnh giúp Cô Tô vươn lên, vì vậy thời gian qua, địa phương đã có sự đầu tư mạnh cho du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên khu di tích. (Ảnh Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cô Tô)
Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên khu di tích. (Ảnh Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cô Tô)

Sau hành trình gần 90 phút từ bến cảng Cái Rồng, trên chiếc xuồng cao tốc 5 sao cùng với 300 người bạn đồng hành, vượt qua những con sóng tung bọt trắng xóa nơi Cửa Đối, vịn vào những khối bê-tông vững chắc của cầu tàu, chúng tôi đã đặt chân lên đất Cô Tô.

Tiềm năng và cơ hội

Cô Tô là huyện đảo biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60 hải lý, gồm hai xã Đồng Tiến, Thanh Lân và thị trấn Cô Tô. Khác hẳn với những gì tôi từng tưởng tượng, thị trấn Cô Tô hôm nay sầm uất và đông đúc chẳng khác gì một thị trấn nơi đất liền. Cũng những dãy phố dọc ngang với đường bê-tông trải dài sạch sẽ. Trung tâm thị trấn đã mọc lên rất nhiều khách sạn cao tầng theo lối kiến trúc hiện đại, các khu nhà thiết kế theo mô hình homestay mọc lên san sát, rất nhiều nhà hàng quán ăn được đặt sát bờ biển, nơi những con sóng của vịnh Bắc Bộ quanh năm ào ạt vỗ trắng bờ. Đây đó vẫn còn các căn nhà cũ phủ rêu phong được xây dựng từ những năm 1990 của thế kỷ trước khi những người dân đầu tiên ra đảo làm kinh tế mới.

Chúng tôi tới thăm trang trại của vợ chồng bác Bùi Văn Phú, Phạm Thị Ngọc (khu Đồng Tiến, thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến) nằm ngay sát biển mà theo hai bác thì mùa thu gió mát rười rượi, mùa hạ nắng tràn rực rỡ. Dẫn chúng tôi qua những dãy phi lao rì rào trước biển, ông Phú kể câu chuyện lập nghiệp của gia đình ở nơi đảo xa này. Vợ chồng ông quê gốc Hải Phòng, năm 1979. Nhà nước có chiến dịch vận động tuyên truyền bà con nông dân tại các vùng quê Bắc Bộ đi xây dựng vùng kinh tế mới nên ông bà quyết định để lại ruộng vườn nhà cửa cho người con lớn. Hai vợ chồng dắt díu mang theo đứa thứ hai và ba ra đi với mong muốn thay đổi cuộc sống để bớt cực khổ.

“Tôi còn nhớ, chuyến tàu gia đình tôi đi tới đảo Cô Tô mất tới 8 giờ, những cơn say sóng và cái đói cồn cào cứ quất tới tấp lên những con người liêu xiêu vốn đã quá tiều tụy vì thiếu ăn. Mấy chục gia đình chúng tôi, hành lý mang theo chỉ lỉnh kỉnh vài cái xoong chảo sứt sẹo, chăn chiếu, quần áo, đùm đùm bọc bọc, rách rưới cũ nát. Vợ chồng con cái nằm la liệt mệt mỏi rã rời như những đoàn thuyền nhân vượt biển. Đến bữa, không có rau, chúng tôi thường ngắt lá dại như lá vông để nấu làm canh ăn trừ bữa. Dần dần, chúng tôi cũng được phân một gian nhà nhỏ cũ. Gọi là nhà nhưng đó là một vuông đất ẩm thấp, có mái che, chỉ vừa kê được một chiếc giường. Thế rồi trải qua bao vất vả của cuộc sống thường ngày mà vợ chồng con cái cùng nhau dắt díu vượt qua tất cả. Giờ nhớ lại, thấy phục mình quá!”.

Sau hơn 40 năm sinh sống ở huyện đảo, ông bà Phú Ngọc đã chuyển lên khu Đồng Tiến để trồng các loại rau, hằng ngày thu hoạch và giao cho các nhà hàng trên đảo, cùng với đó là chăn nuôi hàng trăm con gà, vịt tại trang trại có diện tích 1.500m2. Khu đất trước kia ông bà ở rộng hơn 900m2 nay giao lại cho người con gái út kinh doanh homestay với 21 phòng lúc nào cũng chật kín khách du lịch.

Trước đây, các tàu khách đến Cô Tô đều là tàu vỏ gỗ, công suất thấp, khiến nhiều du khách bị say sóng khi đi tàu vào đảo. Nay Cô Tô đã phát triển đội tàu vận chuyển cao tốc hiện đại 30 chiếc, tối đa có thể chạy 80 chuyến/ngày, rút ngắn thời gian ra đảo còn 90 phút so với từ 3 đến 4 giờ như trước đây. Hệ thống giao thông đường bộ được nâng cấp gồm tuyến xuyên đảo dài 10,5km, đảo Thanh Lân 11km và hơn 10km các tuyến giao thông nông thôn. Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ, homestay trên đảo đều có xe điện sức chứa 14-16 người/lượt đưa đón du khách từ bến cảng về nơi nghỉ dưỡng và ngược lại với số lượng gần 300 xe, cùng với đó khoảng 500 xe máy và 200 xe đạp đáp ứng cho việc đi lại và tham quan của du khách hằng ngày.

Những năm gần đây, Cô Tô được coi là điểm du lịch hấp dẫn, đáng đến trong hành trình du lịch Hạ Long-Quảng Ninh. Mỗi năm Cô Tô đón hàng trăm nghìn lượt du khách ra tham quan nghỉ dưỡng. Thế mạnh du lịch Cô Tô được thể hiện qua vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển với nước trong, bờ thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Du lịch của Cô Tô đang ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển, từng bước khẳng định vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo.

Đẩy mạnh du lịch biển đảo

Cùng với gìn giữ tài nguyên du lịch biển đảo, thời gian qua, Cô Tô chú trọng phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, làm “đòn bẩy” phát huy thế mạnh du lịch biển đảo. Đến với Cô Tô du khách có các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng như: Trải nghiệm gắn với tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên tại rừng nguyên sinh Bắc Vàn, Hồng Vàn, Vàn Chảy tại xã Đồng Tiến, đảo Cô Tô con (xã Thanh Lân); du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng chài truyền thống. Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá, hiện đang thu hút khách du lịch đặc biệt là giới trẻ với những hoạt động “Một ngày làm ngư dân”, “Hành trình vì biển đảo quê hương”...

Một trong những hình ảnh đẹp để giữ chân du khách khi đến thăm Cô Tô đó là ý thức về bảo vệ môi trường sống, cảnh quan của người dân nơi đây. Chị Lê Thị Hằng chủ hàng giải khát ven bờ biển Vàn Chảy cho biết: Việc thu gom rác tại các bãi biển, con đường được tất cả người dân chúng tôi tích cực tham gia. Lịch ra quân làm vệ sinh được đưa lên hệ thống phát thanh, nhắn tin qua điện thoại, qua đó duy trì thường xuyên và hiệu quả việc làm này. Anh Nguyễn Trung Hiếu chủ homestay cho biết: “Về mùa du lịch, nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Khách đến đây họ thích không khí trong lành, sự thân thiện của người dân và thưởng thức các món hải sản. Năm nào cũng vậy, các đoàn khách quen đều quay lại homestay nhà tôi. Gia đình còn có vườn rau sạch được du khách rất yêu thích. Nhiều du khách khi về rồi vẫn liên lạc thường xuyên với gia đình để mua hải sản, sản phẩm OCOP”.

Anh Phạm Văn Đạt chủ nhà hàng Đạt đủng đỉnh tại bãi biển Hồng Vàn chia sẻ: Một nét văn hóa đặc biệt ở vùng này là du khách khi đến đảo, họ hoàn toàn yên tâm suốt hành trình du lịch mà không sợ bị cò mồi, móc túi, trộm cắp, chặt chém khi sử dụng dịch vụ, tất cả đều được chúng tôi niêm yết giá cả công khai. Ở trên đảo cũng không tồn tại tệ nạn ma túy và mại dâm. Ý thức bảo vệ môi trường được tất cả các nhà hàng quan tâm, luôn nhắc nhở và chuẩn bị đủ thùng rác để phục vụ khách du lịch, không để tình trạng xả rác bừa bãi trên đảo.

Anh Vũ Thanh Minh, hướng dẫn viên du lịch có nhiều năm kinh nghiệm tại đảo chia sẻ: Sự an toàn là đặc sản đáng giá nhất của Cô Tô. Một cái ví bị đánh rơi, một đứa trẻ bị lạc, cả đảo láo nháo đi tìm. Xe máy của chủ hay khách thuê đi lại trên đảo có thể để khắp nơi không cần rút chìa khóa, khóa cửa phòng nhiều khi chỉ để cho đủ bộ. Người Cô Tô thật thà, nhiệt tình và hào sảng. Trên đảo, nếu nhỡ may hỏng xe mà bạn nhìn thấy ai đó giống người địa phương thì cứ vẫy lại nhờ giúp. Nhưng nếu không vẫy mà người ta vẫn dừng lại hỏi và giúp thì đừng ngạc nhiên. Hãy cứ tin tưởng và giao phó. Là dân biển, nhiệt tình và nồng hậu, nên chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ du khách. Hãy mở nụ cười và chan hòa với địa phương, bạn sẽ nhận được những gì tốt nhất mà thậm chí còn chẳng phải trả tiền, được mời hoặc giá còn thấp hơn bình thường.

Du khách đến với Cô Tô hiện nay có nhiều sự lựa chọn để trải nghiệm phụ thuộc vào quỹ thời gian mình có mấy ngày, có thể là tua 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm, tất nhiên còn phụ thuộc vào sức khỏe và lứa tuổi đối với du khách khi mới đặt chân đến đảo. Đối với du khách không thích tắm biển thì có thể trải nghiệm tua 2 ngày 1 đêm với các địa điểm chung quanh thị trấn Cô Tô bao gồm thăm các địa danh: Đón bình minh và chụp ảnh tại bãi đá Móng Rồng, quay về thị trấn ăn sáng, sau đó lên thăm ngọn đèn hải đăng.

Nếu du khách có sức khỏe tốt, có thể trải nghiệm bằng cách đi bộ, leo lên dốc thăm cột đèn, với quãng đường đi về là 5km, còn một cách khác đó là trải nghiệm bằng xe ôm với 40 nghìn đồng cho 2 lượt đi về. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể cho người dân trên đảo, trung bình mỗi xe chạy từ 20 đến 30 lượt, ngày đông thì 40 đến 50 lượt, trừ chi phí 150 nghìn đồng thì thu nhập bình quân 1 ngày không hề thấp. Tranh thủ thời gian nghỉ hè và cuối tuần tất cả mọi người đều tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, không phân biệt địa vị trong xã hội, tất cả đều xếp hàng ngăn nắp chờ đến lượt mình, không có tình trạng tranh giành khách. Rời ngọn đèn hải đăng, du khách không thể không thăm Khu di tích lưu niệm Bác Hồ, chụp ảnh trước tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên khu di tích hay trước cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô do Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành tháng 5/2022 vừa qua.

Cột cờ được xây dựng có kích thước đúng như tỷ lệ với cột cờ đặt trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều du khách có thể bắt đầu chuyến đi muộn để khám phá các địa danh còn lại như bãi tắm tình yêu, bãi đá Cầu Mỵ, chợ Cô Tô và nhớ ra Âu Cảng ngắm hoàng hôn. Buổi tối sẽ là hoạt động đạp xe đi dạo chung quanh đảo.

Theo anh Vũ Thanh Minh: Đối với du khách thích tắm biển và khám phá thì phải có tối đa 3 ngày 2 đêm lưu trú mới có thể trải nghiệm hết được Cô Tô. Chúng tôi hiện đang đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái biển đảo, dành cho các bạn trẻ ưa khám phá hoặc với những du khách đã từng đến Cô Tô muốn được trải nghiệm hình thức du lịch mới. Sau ngày 1 trải nghiệm nhanh các địa điểm đã nêu ở trên. Ngày 2 các bạn sẽ lựa chọn tua tham quan trải nghiệm cả ngày ở 3 đảo (Cô Tô con, Cá chép, Sư tử), chiều quay lại thị trấn Cô Tô tắm biển, hoặc tua tham quan xã Thanh Lân cách thị trấn Cô Tô khoảng 20 phút đi tàu gỗ. Ngày 3 tắm biển và tham quan những nơi mình chưa đi là kết thúc hành trình.

Khi đến với Cô Tô, bạn sẽ cảm nhận được như mình đang đến một thiên đường thật sự với cát trắng, nắng vàng, biển và trời xanh, sóng nhè nhẹ... tất cả đều còn rất hoang sơ, tự nhiên khiến cho bạn có cảm giác thư giãn, quên đi mọi mệt mỏi âu lo trong cuộc sống. Khi hoàng hôn buông xuống trên biển, cả đảo Cô Tô xinh đẹp sẽ tràn ngập một ánh vàng lấp lánh, khác hẳn với ánh sáng trong veo lúc bình minh sáng sớm. Đảo có nhiều nơi để ngắm hoàng hôn như bãi Hồng Vàn, Vàn Chảy, đẹp nhất là Âu Cảng.

Nếu bạn không có phương tiện đi lại thì bãi biển gần trung tâm thị trấn vẫn là lý tưởng nhất. Bạn có thể đi bộ ra đây sải bước trên bãi cát dài hay tản bộ trên con đường tình yêu ngay sát biển và ngồi đó đợi hoàng hôn buông xuống. Thời điểm này là mùa hè nên nếu bạn đến đây sẽ thấy mặt trời lặn khá muộn, bắt đầu từ sau 17 giờ 30 phút bầu trời và mặt biển sẽ dần dần chuyển từ xanh sang hồng rồi mới sang vàng. Cả mặt biển phản chiếu ánh mặt trời cuối ngày tạo thành những vẩy bạc lấp lánh đẹp vô cùng. Đây cũng là lúc bạn có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân trên đảo Cô Tô.

Khác với không khí khẩn trương của buổi sáng, các tàu thuyền có vẻ rảnh rang hơn, trôi từ từ vào bờ biển hay neo đậu ở gần bờ. Đây cũng là một cảnh đặc trưng của Cô Tô nếu bạn có một chiếc máy ảnh xịn, chắc hẳn sẽ không chịu bỏ qua khoảnh khắc này.

Hai ngày ở Cô Tô, không nhiều để có thể tìm hiểu cặn kẽ và sâu sắc tất cả, nhưng cũng đủ để tôi có một cái nhìn bao quát và rõ nét thêm về một vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Tạm biệt Cô Tô, khi tàu quay mũi, tôi còn kịp nhìn thấy tượng Bác vẫy tay chào, nụ cười hiền hậu vẫn tươi rói trên nét mặt rạng ngời. Và phía sau Người, mấy nghìn nóc nhà thấp thoáng lẫn trong cây. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh cột cờ, kiêu hãnh và kiên trung, như đất và người Cô Tô-huyện đảo tiền tiêu vững vàng nơi đầu sóng.