Bài học từ sự tôn trọng đối phương

Trái bóng EURO 2020 đã lăn được hơn nửa chặng đường. Rất nhiều niềm vui và nỗi buồn, bất ngờ và kỷ lục xoay quanh trái bóng tròn. Một trong những điều nổi lên ở vòng chung kết cho đến lúc này là bài học chưa bao giờ cũ: tôn trọng đối phương. Những huấn luyện viên (HLV) hay cầu thủ hoặc cả hai, nếu quá tự tin vào sức mạnh bản thân, chủ quan, coi thường đối thủ thì đội bóng của họ phải chuốc thất bại cay đắng. Còn những đội “cửa dưới” nếu biết người biết ta, kiên cường thi đấu với tinh thần “never give up” - không bao giờ bỏ cuộc, sẽ giành chiến thắng.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam. (Ảnh: VFF)
Đội tuyển quốc gia Việt Nam. (Ảnh: VFF)

Trong tám trận knock-out (đấu loại trực tiếp) ở vòng 1/8 vừa qua có tới hai ứng cử viên ngôi vô địch là Tây Ban Nha và Pháp rơi vào tình thế “chết hụt” và “chết thật” do thiếu tôn trọng đối phương. Với Tây Ban Nha, thủ môn Unai Simon chủ quan đỡ đường chuyền về của đồng đội như đùa nên phải ngậm ngùi vào lưới nhặt bóng. Còn HLV Luis Enrique thay hai cầu thủ chủ chốt khi trận đấu chính thức chỉ còn 10 phút cuối và Tây Ban Nha đang dẫn Croatia 3-1, để rồi bị gỡ hòa 3-3 và phải bước vào hiệp phụ. Nếu không có may mắn và sự xuất thần của một vài cá nhân, ông Luis Enrique đã phải cùng các học trò xách va-ly về nước, nhường quyền đi tiếp cho đối thủ dưới cơ. 

Có lẽ đội tuyển Pháp đã xem thường bài học từ trận cầu Tây Ban Nha - Croatia  nên sự chủ quan tương tự đã lặp lại. Cuối hiệp hai, họ cũng dẫn Thụy Sĩ với tỷ số 3-1, nhưng do coi thường đối phương và thay đổi đấu pháp, đoàn quân của HLV Didier Deschamp đã trả giá đắt khi bị gỡ hòa 3-3 trong hai hiệp đấu chính và thua ngậm ngùi trên chấm phạt đền sau hai hiệp phụ. Thủ môn Thụy Sĩ đã nhận xét Pháp thua không phải do năng lực mà vì quá kiêu ngạo. Hẳn ý cầu thủ này muốn nói đến thái độ chủ quan của các cầu thủ Pháp và tình huống ăn mừng bàn thắng thứ ba có phần ngạo nghễ của tiền vệ Paul Pogba. 

Ở phía ngược lại, sự tôn trọng đối phương của Ukraine trước Thụy Điển, Thụy Sĩ trước Pháp, Croatia trước Tây Ban Nha, đã khiến họ nỗ lực thi đấu hết mình, cống hiến cho người xem những trận cầu đầy cảm xúc. Ukraine và Thụy Sĩ ngẩng cao đầu đi tiếp vào vòng tứ kết - quả ngọt gặt hái từ sự khiêm nhường và nỗ lực phi thường; còn Croatia tuy dừng bước trước một Tây Ban Nha trẻ trung, mạnh mẽ nhưng vẫn nhận được sự thán phục của khán giả.

Một chút liên hệ đến bóng đá Việt Nam. Sau khi bốc thăm vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, tuy đội tuyển của chúng ta sẽ phải đối đầu với các đội mạnh là Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman, nhưng HLV Park Hang-seo đã bình tĩnh trả lời báo chí: “Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu với sự khiêm tốn nhất định và khát khao chiến thắng”. Khiêm tốn chính là sức mạnh và khát khao chiến thắng từng là bí quyết thành công của đội tuyển Việt Nam. Đó cũng là điều mà khán giả chờ đợi ở đội tuyển yêu quý của chúng ta.

Thành ngữ có câu “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Tôn trọng đối phương chính là vừa biết mình, vừa biết người. Không chủ quan, khinh địch sẽ tránh phải trả giá cho những sai lầm, thậm chí còn có cơ hội giành thắng lợi, vì thế những diễn biến ở EURO 2020 không chỉ là những trận cầu đẳng cấp nhất thế giới, mà còn mang lại những bài học thấm thía mà người xem có thể rút ra, nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cùng nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi người phải bình tĩnh, chủ động, đồng lòng vượt qua và chiến thắng.