Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura vừa cho biết, các bộ trưởng 11 nước thành viên CPTPP đã lên kế hoạch nhóm họp trực tuyến vào ngày 1/9 tới để thảo luận về đơn xin gia nhập của Anh. Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ với Anh và đang tiến hành các công việc cần thiết để đẩy nhanh tiến độ đàm phán.
Cùng với tiến trình Brexit, gần đây nước Anh đã thúc đẩy đàm phán gia nhập CPTPP, nhằm tìm kiếm lợi ích và nâng cao vị thế đất nước. Anh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ ngày 1/2/2021. Sau các cuộc thảo luận, đàm phán song phương giữa Anh với nhiều thành viên, đầu tháng 6, các nước CPTPP đã nhất trí khởi động đàm phán về đơn xin gia nhập của Anh.
Luân Đôn luôn xem việc gia nhập CPTPP là một cơ hội lớn để phát triển kinh tế, thương mại. Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định đây sẽ là “cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh”. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng nhận định rằng, việc gia nhập CPTPP sẽ “là một kết quả quan trọng hậu Brexit”.
Theo Bộ Thương mại Anh, việc tham gia CPTPP sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ô-tô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan, cùng với đó là khả năng mở rộng thị trường mới cho các mặt hàng thực phẩm như thịt bò và thịt cừu. Ngoài ra, nước này sẽ được mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ.
Giới phân tích nhận định, với Luân Đôn, việc tham gia CPTPP có thể được xem như một phần trong chiến lược xoay trục khỏi châu Âu hậu Brexit và hướng tới các nền kinh tế xa hơn về mặt địa lý nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Trong khi đó, với các nước thành viên CPTPP, sự tham gia của Anh vào hiệp định này cũng mang lại lợi ích chung cho tất cả các thành viên. Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong CPTPP, sau Nhật Bản. Sự tham gia của Luân Đôn cũng sẽ giúp tỷ trọng của khối thương mại tự do này trong tổng sản lượng kinh tế toàn cầu lên xấp xỉ 16%, từ mức 13% hiện tại.
Như vậy, việc đón nhận “Xứ sở sương mù” vào mái nhà chung CPTPP có thể xem là hành động giúp các bên “cùng thắng”. Dù Hội đồng CPTPP còn phải xem xét và thực hiện một số thủ tục liên quan, nhưng tiến trình gia nhập của Anh dự báo sẽ tiếp tục “xuôi chèo mát mái” trong thời gian tới.