Bình Dương quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Bình Dương. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Bình Dương. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH

Theo đó, quy hoạch sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hơn tám triệu tấn hàng hóa và hơn ba triệu hành khách vào năm 2020. Giai đoạn sau, tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hơn 20 triệu tấn hàng hóa và gần sáu triệu hành khách vào năm 2025. Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hơn 40 triệu tấn hàng hóa và hơn tám triệu hành khách; khối lượng vận chuyển bằng đường thủy sẽ chiếm khoảng 15% tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cả tỉnh.

Sở Giao thông vận tải phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch gồm 10 cảng hàng hóa, một cảng hành khách và bảy cảng chuyên dùng; xóa bỏ và mở mới một số bến hàng hóa; nâng cấp và mở mới một số bến hành khách. Đồng thời, sở sẽ đình chỉ hoạt động các bến khách ngang sông không bảo đảm yêu cầu theo quy định.

*Sáu tháng đầu năm, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Quảng Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho ba dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 16 triệu USD; Triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, tích cực tham gia các hội thảo về xúc tiến đầu tư. Thông qua các hoạt động đó, tỉnh kêu gọi đầu tư và đã đón tiếp nhiều doanh nghiệp đến khảo sát như: Tập đoàn SCG (Thái-lan) khảo sát đầu tư nhà máy trộn bê-tông tươi; Tập đoàn Pacific Healthcare nghiên cứu đầu tư bệnh viện quốc tế; đoàn doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát đầu tư nhà máy dăm gỗ...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 10 dự án đang hoạt động; chín dự án đang xây dựng nhà máy; hai dự án trong giai đoạn khảo sát lập dự án đầu tư và ba dự án tạm ngừng hoạt động. Các dự án FDI hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt kết quả khá, giải quyết việc làm cho hơn 1.400 lao động. Tuy nhiên, ngoài năm dự án có quy mô lớn, những dự án còn lại tương đối nhỏ, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực thương mại hàng hóa và sản xuất công nghiệp cơ khí. Chưa có những dự án đầu tư vào lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên và là thế mạnh của tỉnh như du lịch - dịch vụ, sản xuất, chế biến nông, lâm sản, đồ uống... Vì vậy, hiệu quả kinh tế do các nhà đầu tư FDI mang lại cho địa phương chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh.

Để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các dự án FDI triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ và nguồn vốn đăng ký; tích cực rà soát loại bỏ những thủ tục, giấy tờ không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư.