Bình Dương ghi nhận 15 ca tử vong do sốt xuất huyết

NDO - Ngày 15/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 8, tỉnh đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng số ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn đến nay lên 15 ca.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội giúp dân tổng vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch sốt xuất huyết ở Bình Dương.
Bộ đội giúp dân tổng vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch sốt xuất huyết ở Bình Dương.

Trong số 15 ca tử vong do sốt xuất huyết tại Bình Dương, có 8 ca tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 53,33%. Các địa phương có số ca tử vong là: thị xã Tân Uyên: 4 ca, thành phố Dĩ An: 6 ca, thành phố Thuận An: 2 ca, thành phố Thủ Dầu Một: 1 ca và huyện Bắc Tân Uyên: 2 ca.

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 10.020 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 67,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó, dưới 15 tuổi có 3.868 ca. Hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 1.832 ổ dịch được phát hiện và xử lý.

Nhận định về nguyên nhân số ca bệnh sốt xuất huyết nhiều, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, nguyên nhân khách quan là do tỉnh Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung đang trong giai đoạn mùa mưa nên véc-tơ gây bệnh (muỗi Aedes Agypti) phát triển mạnh; đồng thời, năm 2022, type virus DEN 2 lưu hành chủ yếu tại khu vực miền nam, đây là type thường gây bệnh cảnh nặng.

Về nguyên nhân chủ quan, do ý thức người dân còn chủ quan, lơ là, nhất là sau dịch Covid-19; việc khai báo ca bệnh tại các cơ sở y tế chưa được duy trì, thực hiện đầy đủ trong thời gian qua gây nên việc giám sát ca bệnh chưa kịp thời, xử lý ổ dịch chưa đúng thời gian; các hoạt động can thiệp chưa được quyết liệt; việc thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết chưa được đầy đủ, kịp thời.

Giải pháp tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, trước mắt là tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; thường xuyên tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng.

Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết để đối phó với dịch bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ngay ổ loăng quăng, bọ gậy một cách hiệu quả; tiến hành các hình thức tiêu diệt ngay loăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

Về lâu dài, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tự dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có loăng quăng; áp dụng mô hình hướng dẫn các học sinh tiểu học, trung học cơ sở thực hiện dọn dẹp vệ sinh, loại bỏ vật chứa nước có loăng quăng; nhân rộng việc thả muỗi mang Wolbachia trong cộng đồng; thực hiện xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình, xí nghiệp, cơ sở không thực hiện vệ sinh môi trường, dọn dẹp phế thải, loại bỏ vật chứa nước có loăng quăng tại nơi ở, nơi làm việc, ...

Trước đó, nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng; dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, một số dịch bệnh khác cũng diễn biến phức tạp, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã yêu cầu các cấp ủy, cơ quan tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt, lấy tháng 8/2022 làm Tháng cao điểm tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số dịch bệnh khác…