Bình Dương cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm và cấp giấy lưu thông cho công nhân

NDO -

UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản góp ý gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.

Chốt kiểm soát dịch cầu Vĩnh Bình trên quốc lộ 13 phía TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) tiếp giáp  TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Chốt kiểm soát dịch cầu Vĩnh Bình trên quốc lộ 13 phía TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) tiếp giáp  TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Địa phương này cũng hướng dẫn việc tham gia giao thông của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại tỉnh, trong đó cho phép doanh nghiệp xác nhận kết quả âm tính cấp cho người lao động theo mẫu của Sở Y tế.

Cơ bản thống nhất phương án giao thông TP Hồ Chí Minh đề xuất

Theo văn bản UBND tỉnh Bình Dương góp ý gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn, UBND tỉnh cơ bản thống nhất với phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa thành phố và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, bằng xe ô-tô do doanh nghiệp tổ chức và cả xe cá nhân như UBND TP Hồ Chí Minh đã dự thảo.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh một số nội dung để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong quá trình lưu thông, hoạt động sản xuất.

Cụ thể, đối với việc vận chuyển bằng ô-tô giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tại tiêu chí an toàn trong vận tải, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người phục vụ, người điều khiển phương tiện là người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án UBND TP Hồ Chí Minh dự thảo.

Tuy nhiên, đối với người phục vụ, người điều khiển phương tiện mới tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị phải có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần, tăng 1 lần so với xét nghiệm âm tính 7 ngày/lần như phương án đề xuất của TP Hồ Chí Minh.

Đối với trường hợp sử dụng xe cá nhân (ô-tô, mô-tô, xe gắn máy) di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị điều chỉnh: Người ngồi trên xe đã được tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi hoặc khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/2 lần); đồng thời phải có giấy xác nhận về việc lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường... theo mẫu thống nhất.

Cho rằng do tình hình dịch bệnh hiện nay phức tạp, đối với trường hợp sử dụng xe cá nhân (ô-tô, mô-tô, xe gắn máy), UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị trước mắt chỉ áp dụng tạm thời đối với người lao động sử dụng phương tiện cá nhân đi lại giữa hai địa phương giáp ranh là TP Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) và TP Thuận An, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Bên cạnh một đề nghị điều chỉnh, bổ sung nêu trên, đối với kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị việc tổ chức xét nghiệm và cấp cho công nhân và chuyên gia do cơ quan y tế hoặc công ty tự thực hiện, cấp giấy và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm đó.

Bình Dương cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm và cấp giấy lưu thông cho công nhân -0
Các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 13 qua địa bàn TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

Doanh nghiệp tự xét nghiệm để giảm chi phí

Tại Bình Dương, nhằm từng bước khôi phục chuỗi sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới, ngày 6/10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương hướng dẫn điều kiện tham gia giao thông của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo hướng dẫn, người lao động hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương, làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia giao thông trong phạm vi của từng huyện, thị xã, thành phố phải đáp ứng điều kiện: Đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày, hoặc đã điều trị Covid-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Để tham gia giao thông giữa các đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh Bình Dương căn cứ tình hình thực tế để phân vùng, gồm: Vùng 1 là TP Thuận An, TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên; Vùng 2 là TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát; Vùng 3 là huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.

Theo đó, người lao động tham gia lưu thông để làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ Vùng 1 đến Vùng 2, Vùng 3 và ngược lại đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã điều trị Covid-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Đi lại giữa Vùng 2 và Vùng 3 đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã điều trị Covid-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Đồng thời, phải có phiếu xác nhận âm tính (hoặc xác nhận điện tử trên PC-Covid) còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu. Phiếu xác nhận có thể do doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh cấp cho người lao động của mình theo mẫu của Sở Y tế ban hành và hướng dẫn.

Ngoài các điều kiện trên, khi tham gia giao thông, người lao động phải có Giấy xác nhận phục vụ lưu thông. Cụ thể, đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, Giấy xác nhận lưu thông phải được giám đốc doanh nghiệp xác nhận. Đối với người lao động làm việc trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, Giấy xác nhận phải được địa phương nơi cư trú và chủ cơ sở, hộ sử dụng lao động xác nhận.

UBND các xã, phường, thị trấn xác nhận Giấy lưu thông cho người lao động làm việc trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh trong 24 giờ (kể từ khi tiếp nhận đề nghị của người lao động), tránh tập trung đông người (người lao động có thể thông qua đại diện khu phố, ấp nơi cư trú để xác nhận), tuân thủ quy tắc “5K”.

Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức xác nhận giấy phục vụ lưu thông cho người lao động trong doanh nghiệp nhanh nhất, tránh tập trung đông người, tuân thủ quy tắc “5K” và chịu trách nhiệm việc xác nhận của mình.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép