Ngày 3/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính của tỉnh Bình Dương với tổng diện tích tự nhiên 2.694,64km2, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và 4 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).
Mục tiêu tổng quát: đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Dương. (Ảnh: THANH GIANG) |
Tầm nhìn đến năm 2050: xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD. Cơ cấu kinh tế năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Quyết định 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương cho lãnh đạo tỉnh.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án tiêu biểu được cấp phép trong năm 2024 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD trong các lĩnh vực hạ tầng, đô thị, dệt may, cơ khí…
Nhân dịp này, Becamex IDC và Coex và Kosmo Hàn Quốc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ của quốc gia, vùng, địa phương hay ngành, lĩnh vực. Quy hoạch dẫn dắt, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian: đất, nước-biển, không gian ngầm; thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; góp phần bảo đảm công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương cho lãnh đạo tỉnh. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung, yêu cầu trong xây dựng quy hoạch: Bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; Quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải bảo đảm tính hệ thống, khoa học, hiệu quả. Chú trọng 3 tư tưởng chủ đạo: Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực, là mục tiêu; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; Phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khởi động các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch: Tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; Phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; Xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại; Huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công-tư, nguồn lực bên trong và bên ngoài… Việc huy động nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, gắn với nguồn lực quốc gia, gắn với nguồn lực quốc tế); Tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương công bố Quyết định 790/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu 30 năm qua mà Bình Dương đạt được và lưu ý thế hệ lãnh đạo tỉnh hôm nay cần phát huy những thành quả của các thế hệ lãnh đạo đi trước.
Nhấn mạnh về vị trí chiến lược, tầm quan trọng của Bình Dương, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử. Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương; của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai; của kế thừa, đổi mới và phát triển; sự kết tinh, đóng góp của các doanh nghiệp, đối tác quan trọng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: THANH GIANG) |
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng hoan nghênh “3 xây dựng” của tỉnh Bình Dương: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; Xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; Xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính.
Thủ tướng đề nghị Bình Dương thực hiện tốt “3 Tiên phong”: Tiên phong kết nối nền kinh tế với Vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế nhất là kết nối giao thông xanh, số hoá với Campuchia, Tây Nguyên qua Bình Phước, với Tây Nam Bộ qua Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối quốc gia qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải: Tiên phong trong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, đặc biệt số hoá nền kinh tế và xanh hoá nền kinh tế; Tiên phong chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, xanh, số, công nghệ cao, thông minh, tập trung vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng lưu ý, tỉnh Bình Dương cùng cả nước xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tinh thần là tăng cường phân cấp, phân quyền với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; lưu ý yếu tố con người có tính chất quyết định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đề án kết nối với Đề án 06 của Chính phủ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ quy hoạch với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng"; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đối với Vùng Đông Nam Bộ, các bộ, ngành và Chính phủ ,Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phối hợp chặt chẽ, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", không đùn đẩy trách nhiệm; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao nhất.
Chính phủ cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; phấn đấu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động vì nhân dân, mở đường, xây dựng luật pháp vừa phải quản lý tốt, vừa phải mở ra không gian phát triển; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển, cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đoàn kết, thống nhất cùng với người dân, doanh nghiệp vào cuộc.
Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng hoan nghênh Bình Dương luôn đi đầu trong xúc tiến, thu hút đầu tư, lưu ý tỉnh cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với doanh nghiệp; mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư có chiến lược kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, phát triển bền vững hài hoà giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; mong các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nhất là phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới gồm công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khoa học công nghệ, xanh hoá, số hoá, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền cần có sự đóng góp của các doanh nghiệp. Luôn đóng góp, tư vấn về cải cách thủ tục hành chính; tuân thủ pháp luật, làm tốt trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Với những điểm tựa là sự đoàn kết, lòng dân, truyền thống lịch sử, văn hoá, niềm tự hào, có sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Thủ tướng tin tưởng Quy hoạch sẽ được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả cho tỉnh Bình Dương.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khởi động các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm. (Ảnh: THANH GIANG) |
* Trước giờ khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan Triển lãm Điện và Năng lượng 2024 (Electric Energy Show 2024) và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024 (Automation World Vietnam 2024) được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo Bình Dương.
Hai triển lãm đã thu hút 300 đơn vị, tổ chức với hơn 400 gian hàng từ hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hongkong (Trung Quốc) và Việt Nam tham gia. Triển lãm diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 27/9, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển lãm là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới trên thế giới mà còn là cầu nối giúp doanh nghiệp phát triển nguồn năng lượng xanh, bền vững.
Tại Triển lãm, Thủ tướng Chính phủ trải nghiệm trực tiếp những sản phẩm và công nghệ mới nhất của nhiều doanh nghiệp lớn như: Samsung, Yamaha, LS Electric, Panasonic, cụm doanh nghiệp Becamex, khu công nghiệp KTG, VSIP, cùng nhiều đơn vị khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe tỉnh Bình Dương giới thiệu về hướng tuyến dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành. (Ảnh: THANH GIANG) |
* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã kiểm tra, khảo sát hướng tuyến Dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đi từ Thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương tới tỉnh Bình Phước. Trong đó, chủ yếu qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 52,1km. Tổng mức đầu tư khoảng 17.408,39 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước chiếm 49% chủ yếu cho giải phóng mặt bằng; 51% vốn còn lại là đầu tư xây dựng đường.
Dự án được triển khai theo phương thức PPP. Dự án hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có Liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về hướng tuyến và phương thức triển khai dự án. (Ảnh: THANH GIANG) |
Khảo sát hướng tuyến dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tuyến đường là trục cao tốc Bắc-Nam của tỉnh Bình Dương, kết nối các trục đường huyết mạch của tỉnh, đồng thời kết nối với Bình Phước, Tây Ninh, các tỉnh Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, kết nối với các sân bay, cảng biển lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị tham gia triển khai thi công tại hiện trường dự án. (Ảnh: THANH GIANG) |
Cho rằng tuyến đường có ý nghĩa chiến lược nên phải triển khai sớm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đầu tư tuyến đường với hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất; nghiên cứu mở các nút giao phù hợp, là điểm nhấn về cảnh quan để khai thác lợi ích của con đường mang lại phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín; đồng thời huy động các nhà thầu phụ giúp các doanh nghiệp địa phương mạnh lên, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân trong khu vực. Cùng với thúc đẩy triển khai dự án phải xây dựng quy hoạch kết nối giao thông, đặc biệt quy hoạch các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị khai thác lợi ích của tuyến đường, theo hướng phát triển xanh, số, tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
* Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được áp dụng mô hình thông tin công trình BIM ngay từ bước chuẩn bị đầu tư. Đây là dự án hạ tầng giao thông được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP triển khai ứng dụng công nghệ số (BIM) lần đầu tiên tại Việt Nam, giúp cho quá trình thiết kế, thi công và quản lý Dự án được tối ưu.
Đối với dự án đoạn qua tỉnh Bình Phước, dài 7km được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, Tập đoàn kiến nghị triển khai đầu tư đồng bộ với đoạn qua tỉnh Bình Dương để phát huy hiệu quả khai thác; đồng thời lựa chọn những đơn vị nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để huấn luyện, dẫn dắt doanh nghiệp phương cùng làm và thực hiện hoàn thành dự án đồng bộ với đoạn đầu tư PPP qua tỉnh Bình Dương.