Dự lễ khánh thành có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; lãnh đạo các địa phương của 2 tỉnh và đông đảo người dân xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu.
Dự án cầu Bạch Đằng 2 được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giao Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư trên cơ sở thống nhất phương án của 2 tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành cầu Bạch Đằng 2. |
Dự án có tổng mức đầu tư 491 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Quy mô dự án có chiều dài toàn tuyến gần 946m; trong đó, phần cầu dài hơn 401m, phần đường dẫn đầu cầu dài 544,5m.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trao tặng quà cho người dân thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng để xây dựng cầu Bạch Đằng 2. |
Phần cầu có kết cấu phần trên là dầm hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực liên tục được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng, mặt cắt ngang cầu 17,5m bố trí cho 4 làn xe chạy. Phần đường đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/giờ; kết cấu mặt đường bằng bê-tông nhựa nóng với chiều rộng nền đường 17,5m bố trí cho 4 làn xe, phân cách giữa bằng vạch sơn.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trao tặng hoa cho các đơn vị thi công. |
Tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối liền thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; đồng thời mở thêm không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho 2 tỉnh; mở thêm hướng kết nối mới cho tỉnh Bình Dương đến các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, các tuyến cao tốc…
Phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành đưa vào sử dụng rút ngắn đáng kể thời gian đi lại, tiết giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, tạo ra sự kết nối giao thông liên vùng thông suốt giữa tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành phố trong khu vực; mở rộng kết nối đến các đầu mối hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia; trên cơ sở đó tạo thêm tiền đề và động lực quan trọng để hai tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng tại nút giao giữa đường tạo lực và đường cao tốc Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng. |
Công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng có tổng chiều dài tuyến gần 48km, đi qua 3 địa phương gồm huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng và 1 đoạn nhánh 5km nối từ huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ ở các huyện phía bắc với các thành phố phía nam của tỉnh Bình Dương. |
Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II, quy mô 6 làn xe với bề rộng nền đường 40,5m, vận tốc thiết kế 80km/h với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng; trong đó chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 1.531 tỷ đồng.
Tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển mới, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ ở các huyện phía bắc với các thành phố phía nam trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực. Qua đó góp phần thu hút đầu tư để tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững hơn trong thời gian tới.