Bình Định, Phú Yên khẩn trương kêu gọi tàu thuyền di chuyển khỏi vùng nguy hiểm

NDO -

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, tỉnh Bình Định và Phú Yên đã khẩn trương thông báo cho tàu thuyền để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm trên biển,

Tàu thuyền đang neo đậu trong khu vực Cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tàu thuyền đang neo đậu trong khu vực Cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngay trong chiều 6/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chuẩn bị phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ. 

Công điện nêu rõ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn trương thông báo cho tàu thuyền để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm trên biển; chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất... theo phương châm “bốn tại chỗ”; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng; bố trí lực lượng, vật tư , máy óc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống sạt lở đất, lũ quét...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã phối hợp với các địa phương ven biển và gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định đã thông báo cho tổng số 1.075 tàu với 7.932 ngư dân đang hoạt động trên biển nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Bình Định, đến 16 giờ ngày 6/10, có 59 tàu cá với 293 ngư dân nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 115,5 độ Kinh Đông). Trong đó, có 2 tàu với 8 ngư dân nằm trên đường đi của áp thấp nhiệt đới. Hiện nay, các tàu đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.

Bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định thông tin, hồi 13 giờ ngày 6/10, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, dự báo từ ngày 6 đến 8/10, tại Bình Định sẽ có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 70 - 200 mm, có nơi hơn 250 mm.

* Chiều 6/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã ban hành Công điện khẩn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ.

Bình Định, Phú Yên khẩn trương kêu gọi tàu thuyền di chuyển khỏi vùng nguy hiểm -0

Tàu cá của ngư dân thành phố Tuy Hòa đang neo đậu an toàn tại khu vực sông Chùa. 

Toàn tỉnh có 4.106 tàu cá với 24.600 lao động. Đến 18 giờ ngày 6/10, có 301 tàu cá với 1.655 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 238 tàu cá với 1.400 lao động; hoạt động gần bờ và đi về trong ngày 63 tàu cá với 255 lao động. Tất cả chủ các phương tiện tàu cá trên đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến áp thấp trên Biển Đông, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và thường xuyên liên lạc được về gia đình và Bộ đội Biên phòng.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Phú Yên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 6 đến  10/10, địa bàn tỉnh sẽ có mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp ven sông.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đề nghị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng đi của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, giữ liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ, hướng dẫn tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú bão.

Các địa phương tổ chức rà soát an toàn các lồng bè nuôi thủy sản, kiên quyết không để người dân trên các lồng bè nuôi thủy sản nếu không đảm bảo an toàn. Các địa phương sẵn sàng nhân lực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trực ban nghiêm túc 24/24 theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão mưa lớn, sạt lở đất để chủ động xử lý sớm, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra.