Hiện tại, Bình Ðịnh là một trong 31 địa phương hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Hỗ trợ đắc lực người dân, doanh nghiệp
Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Ðịnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề cập đến ba trụ cột của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển của kinh tế số, yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ðể hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh luôn đặt ba trụ cột này trong mọi lĩnh vực để hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp phát triển.
Hiện nay, công tác cải cách hành chính; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và thực hiện Ðề án 06 của tỉnh Bình Ðịnh đang được quan tâm thực hiện đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến hết quý I/2024, kết quả “Chỉ số Phục vụ người dân, doanh nghiệp” (được Văn phòng Chính phủ đánh giá trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia) của tỉnh Bình Ðịnh đạt 84,32 điểm, đứng thứ 2 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố và là một trong ba địa phương thuộc nhóm “Tốt” vì kết quả chỉ số đạt hơn 80 điểm.
Ngoài ra, theo kết quả “Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh” (Chỉ số PAPI) năm 2023 vừa được công bố, Bình Ðịnh đứng thứ 19 trên bảng xếp hạng toàn quốc, tăng 19 bậc so với năm 2022. Cùng với đó, Bình Ðịnh cũng nằm trong số 51 địa phương tham mưu, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với tổng cộng 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%.
Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Ðịnh
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, chuyển đổi số của Bình Ðịnh đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung-Bình Ðịnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam”, ông Lâm Hải Giang đánh giá.
Trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh hiện có 186 doanh nghiệp, trong đó có hai tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động là TMA và FPT với hơn 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng,... Các con số nói trên tuy còn khá nhỏ bé nhưng là sự nỗ lực, quyết tâm chung của các cấp, các ngành trong điều kiện xuất phát điểm của địa phương thấp, doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, năng lực quản trị và nguồn vốn cho chuyển đổi số còn hạn chế.
Chuyển đổi số là yếu tố sống còn
Với sự phát triển không ngừng của khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, địa phương cũng như doanh nghiệp để vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Ðịnh, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Trong đó, kinh tế số bao gồm công nghiệp ICT (công nghiệp công nghệ số) và kinh tế số ngành, lĩnh vực. Công nghiệp ICT gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, internet,... chính là nền móng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số.
“Mục tiêu cơ bản của tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025 là phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; ít nhất 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Trong thời đại chuyển đổi số, doanh nghiệp nào không thích ứng nhanh với công nghệ, chậm thay đổi sẽ bị triệt tiêu. Chỉ có mạnh dạn đi trước các nước phát triển mới có hy vọng thay đổi thứ hạng quốc gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn mở rộng cơ hội cho những người dám tiên phong đi đầu”.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Ðịnh
Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, quy mô nền kinh tế của Bình Ðịnh còn rất nhỏ bé, GRDP bình quân đầu người thấp, sản xuất quy mô nhỏ, tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, tỷ suất lợi nhuận thấp, nên hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp chưa cao. Ðáng nói, yêu cầu xuyên suốt hiện nay của Trung ương là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, không đánh đổi phát triển nhanh bằng mọi giá và thiếu bền vững.
Vì lẽ đó, chuyển đổi số là tất yếu, được xem như yếu tố “sống còn”. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang tập trung chuyển đổi số trong kinh doanh cũng như tự tìm tòi hướng đi riêng để đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế đã chứng minh, những đơn vị chậm áp dụng chuyển đổi số, hiệu quả kinh doanh thấp hơn hẳn so với các đơn vị đã mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số.
Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Ðịnh Nguyễn Ðình Kha cho biết, công nghiệp-thương mại là hai trụ cột, được xem như “xương sống” của nền kinh tế địa phương, do vậy chuyển đổi số thành công sẽ góp phần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm khi “số hóa”.
Thời gian qua, sở đã phối hợp với các doanh nghiệp phát triển nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số để rà soát, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đến người dùng. Ðơn vị cũng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tham gia, tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử rất hiệu quả.