Biên cương, mùa xuân đã về

Là một trong những hoạt động hằng năm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản" tại bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là cơ hội để chúng tôi cảm nhận rõ hơn những khó khăn, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải và người dân địa phương cũng như tình cảm quân dân ấm áp, gắn bó keo sơn trong những ngày Tết đến, Xuân về.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải cùng người dân bản Séo Hồ Thầu múa sạp.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải cùng người dân bản Séo Hồ Thầu múa sạp.

Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là đến Ðồn Biên phòng Pa Tần đóng chân ở xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ nhưng Thượng tá Mai Thăng Long, Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu khuyên chúng tôi nên đến Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải vì các cán bộ, chiến sĩ ở đây đang chuẩn bị cho chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản". Vậy là thay vì chỉ di chuyển 58km đến Ðồn Biên phòng Pa Tần, chúng tôi quyết định hành trình 81km đến Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải.

"Tất cả trên vai người chiến sĩ"

Trong giá lạnh thấu xương, khi sương giăng, mây phủ kín các đỉnh núi, con đường từ thành phố Lai Châu đến xã Vàng Ma Chải như xa hơn, cao hơn ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Ðó là lúc đi trên đường ÐT132, chứ tới đoạn rẽ vào Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải, con đường đất ở đây có lẽ sẽ làm nản lòng tất cả nếu không may trời đổ mưa. Với nhiều đoạn dốc cao, khúc cua ngắn, việc di chuyển bằng xe máy đã khó, nói gì đến ô-tô. Vì thế, quãng đường 3,8km từ ngoài ÐT132 vào đồn sẽ dài gấp nhiều lần với các cán bộ, chiến sĩ ở đây nếu họ phải đi bộ vì đường lầy không thể di chuyển bằng các phương tiện khác. Nói như Thiếu tá Trương Thái Bình, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải thì khi đó, "tất cả đều trên vai người chiến sĩ", một hình ảnh đủ diễn tả những khó khăn, vất vả hằng ngày của các anh khi thực hiện nhiệm vụ.

May mắn cho chúng tôi khi tới đây đúng hôm thời tiết khô ráo. Nhờ vậy mà sự háo hức của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn, thay vì bị xen lẫn cảm giác lo lắng, chờ đợi nếu xe ô-tô gặp trở ngại.

Và rồi hình ảnh quen thuộc với dòng chữ mầu vàng nhạt trên nền xanh lá ghi tên đồn biên phòng, nước vôi mầu vàng của các dãy nhà hai tầng hiện ra trước mắt đoàn công tác. Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải nằm dưới con dốc ngắn, trang nghiêm và yên tĩnh.

Ðồn trưởng Trương Thái Bình ra tận cổng đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt. Anh hỏi ngay: "Ðường khó, đoàn đi có vất vả không?". Khi vào phòng khách của đơn vị, đón chúng tôi còn có Chính trị viên Quàng Văn Viện, anh cũng hỏi một câu tương tự và nói thêm: "Cũng may trời không mưa, nếu không các đồng chí phải đi bộ thì vất vả lắm". Ðó không chỉ là tình cảm và sự lo lắng mà hai anh dành cho đoàn công tác mà còn là nỗi trăn trở lâu nay của Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải. Có lẽ, chừng nào con đường chưa được bê-tông hóa, mọi thứ đều sẽ khó khăn với tất cả, từ việc lãnh đạo đồn di chuyển ra Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu họp và ngược lại, lãnh đạo Bộ Chỉ huy vào đây công tác; việc đưa cán bộ, chiến sĩ về các xã, bản hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát cho đến việc đơn giản nhất là đi chợ mua lương thực, thực phẩm…

Vì thế, chủ đề con đường được nhắc lại trong câu chuyện giữa chúng tôi nhưng rồi như Ðồn trưởng Trương Thái Bình nói, vào mùa mưa, "Tất cả đều trên vai người chiến sĩ" và Chính trị viên Quàng Văn Viện khẳng định: "Không có gì cản trở những người lính; nhiệm vụ nào, khó khăn nào cũng có thể vượt qua".

Thực tế, con đường đất nhỏ bé có là gì so với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới mà cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải trải qua hằng ngày, hay với những hoạt động giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, củng cố mối đoàn kết keo sơn quân-dân. Chúng tôi thầm cảm phục, trân trọng những hành động dù là nhỏ nhất của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải khi chứng kiến các anh chuẩn bị và tổ chức chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản" cho người dân bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San.

Biên cương, mùa xuân đã về ảnh 1

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Mồ Sì San và Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải trao quà Tết tặng người dân bản Séo Hồ Thầu.

Thắm tình quân-dân

Thời điểm chúng tôi đến Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã tổ chức chương trình ở hai bản Pa Vây Sử (xã Pa Vây Sử), Nhóm 1 (xã Vàng Ma Chải) và đang chuẩn bị những công việc cuối cùng cho chương trình diễn ra ở bản Séo Hồ Thầu. Một nhóm đã được phân công đến Séo Hồ Thầu, rồi các nhóm thực hiện nhiệm vụ ở tổ, chốt tuần tra biên giới cho nên lực lượng túc trực tại đồn không đủ. Ðó là cảm nhận của chúng tôi về không khí ở đồn và qua số mâm cơm anh em ngồi ăn tối. Tuy vậy, không có ai ngơi nghỉ phút nào.

Thiếu tá Trương Thái Bình ngồi trò chuyện với chúng tôi một lúc thì điện thoại reo liên tục vì anh đang phải chỉ đạo các công việc cho buổi sáng hôm sau. Thiếu tá Quàng Văn Viện cũng chỉ rảnh được khoảng 30 phút rồi lại tất bật với các khâu chuẩn bị cho chương trình. Chúng tôi cùng các anh ra sân, một số chiến sĩ đang dán các chữ được in sẵn cần trình bày trên phông chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản". Ở đó, ngoài Thiếu tá Trương Thái Bình và Thiếu tá Quàng Văn Viện, chúng tôi đã gặp Trung tá Vàng A Lử, Chính trị viên phó; Thiếu tá Hoàng Văn Trưởng, Ðồn phó Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải; Thiếu úy Chang A Tư, Ðội trưởng Ðội vũ trang; các chiến sĩ như Lù Chẻo Phúc, Thào A Thắng, Lý Quang Phú, Lý Tý Long... tất cả đều gần gũi, thân thiện. Ai cũng chăm chú, khẩn trương với những công việc mà mình phụ trách. Trong khi đấy, ở phía nhà ăn, tiếng máy cắt vang lên không ngớt giữa không gian trầm mặc của núi rừng khi một tốp chiến sĩ đang khẩn trương hoàn thành việc dựng nhà thi đấu cầu lông.

Thiếu tá Quàng Văn Viện cho biết thêm, trên địa bàn đóng quân, Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải quản lý ba xã Vàng Ma Chải, Mồ Sì San và Pa Vây Sử với 17 bản. Năm nay, Ðồn tổ chức chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản" ở sáu bản của ba xã. Năm sau sẽ luân phiên ở sáu bản khác và cứ như vậy, chương trình ở mỗi bản sẽ kéo dài trong một ngày và tính ra, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải sẽ cần phải dành cả tuần để chuẩn bị. Theo Thiếu tá Quàng Văn Viện, công việc vất vả nhưng được làm cho người dân thì anh em luôn phấn khởi bởi tỷ lệ hộ nghèo tại ba xã Vàng Ma Chải, Mồ Sì San và Pa Vây Sử khá cao. Vì thế, ngoài các dịp lễ, Tết, đơn vị còn bố trí lực lượng cùng tham gia người dân vào các vụ mùa gặt, cấy, giúp đỡ, hỗ trợ những hộ neo đơn. Ðơn vị còn hướng dẫn người dân phát triển kinh tế như trồng cây thảo quả, sâm Lai Châu và chăn nuôi. Tại Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải, cán bộ, chiến sĩ cũng nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt, thỏ, bồ câu để trên cơ sở đó, người dân học hỏi.

Ðó là minh chứng, biểu hiện sâu sắc của tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân với dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống, phẩm chất cao đẹp, anh hùng của "Bộ đội Cụ Hồ", của những chiến sĩ mang quân hàm xanh, như lời cô gái xinh đẹp người Thái dẫn tại chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản" ở bản Séo Hồ Thầu hay qua lời phát biểu, cảm ơn của cán bộ xã, của người dân gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và các đồng chí lãnh đạo bộ đội biên phòng. Câu từ trong các bài phát biểu đơn giản, ngắn gọn có lẽ chưa diễn tả được hết những chương trình, việc làm đậm tính nhân văn, thiết thực của lực lượng bộ đội biên phòng đối với người dân nơi đây. Nhiều năm, bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành của tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tập thể và cá nhân ngoài tỉnh tổ chức hiệu quả phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau", nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách quân đội và hậu phương quân đội, duy trì, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững, các chính sách an sinh xã hội cho nhân dân các dân tộc thiểu số.

Chúng tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp của tình quân-dân tại Nhà văn hóa xã Mồ Sì San. Ðó là việc cán bộ, chiến sĩ của Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải có mặt ở Séo Hồ Thầu từ rất sớm để cùng các lực lượng chức năng xã, người dân bản hoàn tất công việc chuẩn bị cho chương trình; là những tiết mục văn nghệ đặc sắc mà đội văn nghệ quần chúng của bản, của lực lượng công an xã mang đến là những điệu múa sạp rộn ràng có sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng với người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mồ Sì San, Tẩn Chin Lùng chia sẻ: "Xã luôn cố gắng để hỗ trợ người dân trong những ngày đón Tết được đủ đầy, đầm ấm, nhất là với những hộ đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện. Cùng với Bộ đội Biên phòng Vàng Ma Chải, hằng năm, chúng tôi đều tổ chức những chương trình như thế để ai cũng có cơ hội được đón xuân sớm. Ðây cũng là hoạt động gắn kết tình quân-dân ngày một chặt chẽ, góp phần giữ vững an ninh biên giới và ổn định cuộc sống cho người dân vùng biên cương của Tổ quốc".

Nhìn hình ảnh rạng rỡ, vui mừng của đại diện 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà Tết tại chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản"; những bàn ăn được chuẩn bị chu đáo mà bộ đội phối hợp xã dành tặng đồng bào nơi đây, chúng tôi thấy được ở đó nỗ lực không mệt mỏi, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Vàng Ma Chải dành cho người dân bản Séo Hồ Thầu nói riêng và người dân nói chung trên hai tuyến biên giới của ba xã mà các anh quản lý, để có "Một rừng ban nở trắng xinh/Một tình yêu ta có nơi rừng núi mờ xa" - như giọng ca trầm vang của Phó trưởng Công an xã Hà Mạnh Quyết trong bài hát "Thơ tình của núi", thật đẹp đẽ. Một mùa xuân mới đã về nơi đất trời biên cương ■