Viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng
Chị N.T.N. 39 tuổi (công nhân ở Tứ Kỳ, Hải Dương) phát hiện nhiễm viêm gan B sau khi sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, do không có điều kiện và mải làm ăn nên chị không theo dõi và điều trị bệnh liên tục.
Trong lần mang thai thứ ba, ở tuần thứ 25, chị có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, chán ăn và khó tiêu, mệt mỏi. Chị đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương được chẩn đoán suy gan cấp, đe dọa tính mạng cả 2 mẹ con nên đã được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới-Bệnh viện Bạch Mai.
Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai: Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy gan nặng, chức năng gan chỉ còn 32%, men gan là 1759 UI/L (tăng gần 50 lần so với mức giới hạn cho phép), mức độ vàng da Billirubin tăng gần 500 (tăng hơn 20 lần mức độ cho phép).
"Tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, có thể đe dọa tính mạng của cả 2 mẹ con. Các bác sĩ đã nỗ lực cao nhất, liên tục hội chẩn cùng bác sĩ sản khoa để đồng thời điều trị tình trạng suy gan cho mẹ và theo dõi chặt chẽ cho con", bác sĩ Cường cho hay.
Đến tuần thai thứ 31, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ nên đã được chuyển đến Khoa Sản. Các bác sĩ can thiệp kịp thời và đỡ đẻ thành công một bé gái nặng 1.700g.
Do sinh non và mẹ bị suy gan cấp trong quá trình mang thai nên hiện em bé vẫn được chăm sóc và theo dõi trong lồng kính tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân mắc viêm gan B điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - nơi điều trị cho người mắc viêm gan lớn nhất ở phía bắc ghi nhận rất nhiều người có tiền sử nghiện rượu lâu năm, không đi khám bệnh định kỳ. Tới khi thấy cơ thể mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, bụng chướng, người bệnh mới tới khám thì đã mắc viêm gan ở giai đoạn nặng.
Đa phần người bệnh đến bệnh viện khám trong tình trạng muộn, đã chuyển sang giai đoạn xơ gan và ung thư gan.
BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, có thực trạng đáng buồn là nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B, hoặc gia đình vừa mắc viêm gan, vừa có u gan. Chỉ đến khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan thì các thành viên khác mới đi khám.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp bệnh nhân bị u gan khi mới 20-25 tuổi. Điều này cảnh báo thực trạng bệnh viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng và vẫn đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam.
Chủ quan với viêm gan B sẽ gặp nhiều hệ lụy
Viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo thống kê, hiện nay toàn cầu có hơn 300 triệu người mắc viêm gan B, con số này không ngừng tăng lên từ 3 đến 4 triệu người mỗi năm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính 8-10% dân số, nghĩa là có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này.
Viêm gan B thường ít có những biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu khiến cho người bệnh chủ quan và bỏ qua. Các triệu chứng viêm gan B xuất hiện rõ rệt khi bệnh đã tiến triển được qua một thời gian dài.
Khoảng 30- 50% người bệnh viêm gan B có các triệu chứng biểu hiện như sau: Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng; Đau nhức xương khớp; Thường xuyên buồn nôn, nôn; Nước tiểu có màu vàng sẫm; Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải; Rối loạn tiêu hóa; Vàng da, vàng mắt; Có hiện tượng xuất huyết, bầm tím dưới da; Bụng cổ chướng hoặc phù nhẹ mắt cá chân (xơ gan).
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, các phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có thai cần được khám sàng lọc viêm gan B để phát hiện, nếu mắc thì sẽ được quản lý, theo dõi và điều trị theo hướng dẫn, nếu chưa mắc thì phải được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
“Với phụ nữ có thai sẽ được điều trị thuốc kháng virus từ tuần thứ 24, giúp giảm lượng virus lây truyền sang con và cháu bé khi sinh ra thì phải được tiêm phòng vaccine và huyết thanh phòng viêm gan B. Các bà mẹ cũng được quản lý bệnh viêm gan B theo chương trình. Hiện nay chương trình bảo hiểm y tế đã chi trả thuốc điều trị và các xét nghiệm cho bệnh nhân viêm gan B là bệnh mãn tính có thể quản lý ổn định lâu dài”, PGS Cường nhấn mạnh.
Bác sĩ Cường cho biết, có nhiều tác hại và biến chứng của suy gan. Khi hoạt động của tế bào gan bị phá hủy từ trong tế bào, dẫn đến tổn thương gan. Khi này, các chức năng của gan như bài tiết mật, thải độc, chuyển hóa chất,... đều bị suy giảm. Trường hợp nặng có thể đi vào hôn mê và tử vong.
Viêm gan B nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn.
Virus viêm gan B làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến viêm gan cho đến xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan.
Dịch tễ viêm gan B của Việt Nam rất cao, đây cũng là căn nguyên hàng đầu gây ung thư khiến cho tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực châu Á. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
Điều trị viêm gan B mạn tính là điều trị lâu dài và được quản lý tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở đi. Do đó, bệnh nhân viêm gan B phải được khám, kiểm tra định kỳ, uống thuốc đầy đủ để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như tình trạng virus viêm gan B bùng phát, hậu quả cuối cùng là xơ gan và ung thư gan.
Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tự ý ngừng thuốc đột ngột để tránh hiện tượng virus kháng thuốc và bùng phát virus dẫn đến suy gan.
Sau điều trị tải lượng virus về dưới ngưỡng thì cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mới được ngừng thuốc vì sau ngừng virus sẽ có thể bùng phát trở lại và diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.