“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu

Nhiều người yêu văn chương đều biết đến “Bỉ vỏ” - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Hồng được hoàn thành vào năm 1937 và giờ đây “Bỉ vỏ” lại ra mắt khán giả yêu nghệ thuật của thành phố Cảng cùng cả nước với một "diện mạo" hoàn toàn mới trên sân khấu nhạc kịch.
0:00 / 0:00
0:00
“Bỉ vỏ” lần đầu tiên lên sân khấu nhạc kịch tại Hải Phòng.
“Bỉ vỏ” lần đầu tiên lên sân khấu nhạc kịch tại Hải Phòng.

“Ai không mơ những ngày mai hạnh phúc

Ai không chờ những bến đỗ ấm êm…

…Hãy gượng sống với khát khao lương thiện

Một mai rồi vực dậy rũ bùn nhơ…”

(Trích lời hát trong vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”)

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, vở nhạc kịch được dàn dựng với mong muốn giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng yêu nghệ thuật tiểu thuyết hiện thực phê phán nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám (1945) ngay tại chính thành phố Cảng - nơi mà nhà văn đã cảm nhận và sáng tạo nên tác phẩm nổi tiếng này.

“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu ảnh 1

Một cảnh về đời sống lầm than của người lao động nghèo trước Cách mạng Tháng Tám.

Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng đã từng được chuyển thể thành kịch nói và cả phim điện ảnh, nhưng lần này, Đoàn ca múa Hải Phòng đang dàn dựng và sẽ giới thiệu với công chúng yêu sân khấu một “Bỉ vỏ” được thể hiện hoàn toàn mới - vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”.

Đây cũng là vở nhạc kịch thứ 2 trên sân khấu thành phố Cảng, sau vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" của Đoàn Kịch nói Hải Phòng trong năm nay và cũng là vở nhạc kịch đầu tiên của Đoàn Ca múa Hải Phòng lần đầu dàn dựng.

Nghệ sĩ Nhân dân, Trưởng đoàn Ca múa Hải Phòng Khánh Hòa - người chịu trách nhiệm nghệ thuật của vở diễn cho biết, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyên Hồng, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng cùng ekip sáng tác mong muốn giới thiệu đến công chúng một bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé, bị áp bức, đẩy đến đường cùng trong thời kỳ đen tối trước Cách mạng Tháng Tám một cách hoàn toàn mới lạ.

“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu ảnh 2

Các nhân vật "giang hồ" trong Bỉ vỏ trên sân khấu nhạc kịch.

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” do Thạc sĩ Tuyết Minh viết kịch bản và là tổng đạo diễn; Biên đạo múa, Thạc sĩ Tuyết Minh và Nghệ sĩ Ưu tú Văn Dũng; dàn dựng hợp xướng Nghệ sĩ Nhân dân Hà Thủy-Chinh Ba-Hoàng Ngọc; thiết kế và thi công sân khấu họa sĩ Khánh Toàn…, cùng sự tham gia biểu diễn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố.

Vở nhạc kịch được kết cấu 3 hồi, 8 cảnh với tổng thời lượng khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, đủ thời gian phù hợp để khán giả cảm nhận nội dung cũng như âm hưởng của vở diễn.

Tác giả kịch bản dùng nhiều đối thoại lồng ghép âm nhạc, đạo cụ cũng như thiết kế các cảnh sân khấu để thể hiện nổi bật nội dung tác phẩm cũng như tính cách và quan hệ của các nhân vật.

“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu ảnh 3

Thân phận người con gái thôn quê Tám Bính trên sân khấu.

Nghệ sĩ Nhân dân Khánh Hòa chia sẻ, ekip sáng tạo cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật Hải Phòng đã tập trung cao độ cho dàn dựng, luyện tập và kỳ vọng được giới thiệu tác phẩm với chất liệu và cách thể hiện mới mẻ đến rộng rãi công chúng trên sân khấu và cũng được Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phát sóng trực tiếp trong chương trình sân khấu truyền hình cuối tháng 6 này.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai tin tưởng rằng, với phong cách mạnh mẽ, hào sảng của con người đất Cảng, sự trưởng thành của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa Hải Phòng cùng sự chuyên nghiệp và tận tâm của ekip sáng tạo, sân khấu Hải Phòng sẽ càng trở nên sôi động, cuốn hút với “Bỉ vỏ” lần đầu được thể hiện bằng nhạc kịch-một cách làm mới sân khấu truyền thống, kỳ vọng sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị…

“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu ảnh 4

Cảnh nô lệ đen tối dưới ách thực dân trước Cách mạng.

Và các nhân vật trên tiểu thuyết “Bỉ vỏ” như: Tám Bính, Năm Sài Gòn, Tư Lập Lơ... sẽ bước lên sân khấu thành phố Cảng để “trải lòng” với câu chuyện kịch tính của mình bằng âm nhạc, nhưng cũng chứa đầy tính nhân văn về tình người, sự đoàn kết và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng ngày mai...

Trên sân khấu âm nhạc, khán giả sẽ cảm nhận về bức tranh xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc-một xã hội xuống cấp, đểu giả, mục nát cùng sự suy đồi đạo đức của xã hội thực dân nửa phong kiến-nơi những người dân hiền lành bị đẩy tới đường cùng, bị khủng bố và đàn áp dã man, tàn bạo...

Giữa xã hội đen tối khi đó-từ thôn quê cổ hủ, lạc hậu tới thành thị bát nháo, trộm cắp hoành hành, khán giả cũng vẫn sẽ đồng cảm với thân phận những con người nghèo khổ, bị tha hóa, nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu thương trong sáng, nồng nàn, sôi nổi, mãnh liệt và niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp vốn có của con người.

“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu ảnh 5

Dàn nhạc sống biểu diễn cũng khiến cho sân khấu thêm sôi động.

Cùng với đó, âm nhạc, hình ảnh sân khấu và sự thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên cũng sẽ tái hiện cho khán giả thấy hình ảnh về Hải Phòng - một hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương, nhưng cũng du nhập và tạo nên một xã hội hỗn độn với mọi thành phần bát nháo cùng một tầng lớp “anh chị” có số má, hung tợn, liều lĩnh nhưng cũng rất tay chơi, nghĩa hiệp…

Không chỉ phản ánh một xã hội bất công, đen tối, đầy khổ cực và nhục nhã của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” cũng chuyển tải đến khán giả sự khát khao cuộc sống lương thiện của con người, gửi gắm thông điệp về tình yêu thương và trách nhiệm gia đình, về sự hy sinh và chung thủy của người phụ nữ…

“Bỉ vỏ” lần đầu mang âm hưởng nhạc kịch lên sân khấu ảnh 6

Các nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn nhạc kịch Bỉ vỏ.

Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy", những người dân nghèo lầm than, bị áp bức, bóc lột, đẩy vào chỗ chết, bị tử hình ... của xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng Tháng Tám (1945).

Và bối cảnh ra đời của “Bỉ vỏ” đã gắn với cuộc sống lam lũ, cơ hàn của những con người nhỏ bé, bị áp bức, đẩy đến đường cùng, cùng các địa danh của thành phố Cảng những năm tháng dưới thời Pháp thuộc.

Ngay từ khi ra đời (năm 1937), “Bỉ vỏ” đã thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn, khi đó Nguyên Hồng mới 18 tuổi. Nguyên Hồng đã viết, “Bỉ vỏ” là “một cái gì tinh khiết của hồn, xác tôi cho cõi đời mà tôi yêu mến!”.