Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong 7 ngày Tết (từ 8 đến 14/2, tức từ ngày 29 tháng Chạp đến sáng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024), Thủ đô Hà Nội tổ chức Tết Nguyên đán trong không khí vui tươi, phấn khởi và an toàn.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn bảo đảm tốt; không có các tình huống đột xuất, bất ngờ, các vụ việc gây phức tạp về an ninh trật tự.
Công tác chăm lo các đối tượng hưởng chính sách, người có công được bảo đảm.
Đến ngày 7/2 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão 2023), Hà Nội đã trao tặng 2.219.722 suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí 1.033,48 tỷ đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm 25,4% tổng kinh phí quà tặng).
Công đoàn các cấp tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ", "Chợ Tết Công đoàn năm 2024", "Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024"; tổ chức hỗ trợ, thăm, động viên, chúc Tết đoàn viên và người lao động, chi hơn 188 tỷ đồng từ ngân sách Công đoàn, các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ hơn 513.000 lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trong bảy ngày Tết, Hà Nội đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so cùng kỳ 2023 với gần 103.000 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so cùng kỳ năm 2023…
Kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng đánh giá, không khí nhân dân Thủ đô đón Tết, mừng Đảng, mừng Xuân nhìn chung là tốt, vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, nhà nhà có Tết, người người có Tết.
Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương và sự chủ động ban hành và triển khai sớm kế hoạch tổ chức Tết của thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong năm mới, đặc biệt 2024 là năm tăng tốc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô...
Trên cơ sở đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở bắt tay ngay vào công việc, đã cố gắng rồi, càng cố gắng hơn nữa để “Năm 2024 phải hơn năm 2023”, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Trước mắt, đồng chí đề nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, sớm tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Đối với sản xuất nông nghiệp, các cơ quan thành phố, địa phương phải bảo đảm các điều kiện, nhất là về thủy lợi để nông dân kịp thời xuống đồng gieo cấy kịp thời vụ.
Thành phố phải huy động các nguồn lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tiến độ các công trình trọng điểm, nhất là các công trình dự án hạ tầng giao thông; huy động sự tham gia của người dân, tạo thành phong trào để phát triển du lịch, dịch vụ trên toàn thành phố, nhất là biến các điểm di tích văn hóa thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhắc lại những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng của văn hóa, con người Hà Nội, nhất là yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nghĩa tình.
Đồng chí đề nghị các cơ quan được giao tham mưu xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ này sớm trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét thông qua, ký ban hành để đưa vào thực hiện.
Đồng chí cũng lưu ý, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chủ động phòng ngừa, thường xuyên nhắc nhở không để xảy ra vi phạm kỷ cương, kỷ luật, nhất là vi phạm về trong giờ làm việc, sử dụng xe công vào việc riêng và phải bắt tay ngay vào công việc.