Thiết kế sơ bộ nhanh để phong tuyến, cắm mốc
Phát biểu thảo luận tại Tổ 1 sáng 6/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận Hà Nội (58,2km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (25,6km và tuyến nối 9,7km).
Theo ông Dũng, việc triển khai thêm tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7km nhằm khép kín toàn bộ hệ thống Vành đai 4. Đây là một trong những điểm rút kinh nghiệm từ các dự án vành đai trước đây do chưa đồng bộ nên phát huy hiệu quả dự án chưa cao.
Ông cho rằng, việc phân chia 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
“Giải phóng mặt bằng lâu nay vẫn là khâu khó khăn nhất trong các dự án đầu tư công. Vì vậy, việc tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối, cộng thêm dự trữ cho 30m chiều ngang của tuyến đường sắt vành đai là rất cần thiết. Đường Vành đai 4 có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó Hà Nội là 741ha, phần lớn là đất lúa và đất nông nghiệp nên thuận lợi cho khâu giải phóng mặt bằng”, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhấn mạnh.
Về phía Hà Nội, ông Dũng cho biết, thành phố đã yêu cầu các cơ quan phải thiết kế sơ bộ nhanh để phong tuyến, cắm mốc, đồng thời làm chính sách giải phóng mặt bằng, đền bù, và giá đền bù. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Hà Nội sẽ cùng các địa phương phát động giải phóng mặt bằng ngay.
Cho ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho biết, trong dự án không xây dựng một khung giá đất chung cho toàn bộ dự án mà giao cho từng địa phương thực hiện các dự án thành phần quyết định. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng ở vùng đất giáp ranh giữa các địa phương. Do vậy, đại biểu cho rằng cần có sự điều hành, phối hợp chung để bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông, mở rộng không gian phát triển
Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư 5 dự án, đặc biệt là các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, bởi các giá trị to lớn mà các dự án mang lại như tăng tính kết nối, đồng bộ, mở rộng không gian phát triển, giảm tải…
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, song đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề thu phí, cho rằng thời gian thu phí trong vòng 21 năm là “ngắn quá”, điều này sẽ khiến cho nhà đầu tư không dám đầu tư vì sợ không kịp thu hồi vốn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đồng tình với sự cần thiết đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh. Theo đại biểu, việc đầu tư hai tuyến đường này không chỉ mang lại giá trị về mặt kinh tế-xã hội, mà còn có ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc.
“Về ý nghĩa phát triển vùng, đường Vành đại 4 đi vào sử dụng sẽ đóng vai trò xương sống kết nối 7 đường cao tốc khác nhau. Khi có đường Vành đai 4 thì toàn bộ 5 đô thị vệ tinh sẽ phát triển”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá.
Đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng dự án Vành đai 4, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng việc triển khai 9,7km tuyến nối với cao tốc Nội Bài-Hạ Long sẽ giúp khép kín toàn bộ hệ thống đường Vành đai 4, góp phần thúc đẩy kết nối và phát triển các hành lang kinh tế, trong đó có hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Hà Nội-Hải Phòng.
Theo đại biểu Nguyễn Trúc Anh, trong quy hoạch Vùng Thủ đô, Vành đai 4 định hình lại cấu trúc đô thị, tạo ra quỹ đất phát triển 6.500ha, một không gian phát triển giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề ùn tắc giao thông.
Đại biểu nhất trí đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời nhấn mạnh tính đồng bộ và tầm nhìn dài hạn phải được đề cao ngay từ giai đoạn đầu triển khai các hạng mục.