Bí thư chi bộ người H’Mông “miệng nói tay làm”

Chúng tôi gặp ông Hùng Xuân Thành, Bí thư chi bộ thôn Cư Tê, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk trong ngày mưa phùn, gió lạnh. Nghe ông chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, nhìn những dòng chữ thật đẹp ông viết trong cuốn sổ ghi chép công việc đã và sẽ làm trong thời gian tới cho cộng đồng người H’Mông tại địa phương, càng thêm đồng cảm với tấm lòng của ông.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư chi bộ thôn Cư Tê Hùng Xuân ThànhThành giới thiệu về cây khèn người H’Mông.
Bí thư chi bộ thôn Cư Tê Hùng Xuân ThànhThành giới thiệu về cây khèn người H’Mông.

Bí thư Hùng Xuân Thành sinh năm 1964, ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) có dáng vẻ rắn rỏi, năng động, nói năng hoạt bát, được nhận xét là con người miệng nói tay làm. Ông chỉ cho chúng tôi ngắm những cánh đồng hoa mầu xanh ngát, những quả đồi tươi tắn trong mưa bụi phía trời xa và say sưa nói về sự đổi thay trên quê hương, cuộc sống no ấm của bà con hôm nay.

Bước vào ngôi nhà gỗ rộng rãi khang trang, chúng tôi rất ấn tượng với những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của các cấp từ xã đến Trung ương treo kín bức tường. Ông Thành cho biết, năm 1996 ông chuyển cả gia đình vào Tây Nguyên và chọn thôn Cư Tê làm quê hương thứ hai. Ban đầu nơi đây chỉ là đất hoang, đồi trọc, cỏ cây mọc như rừng, cả một vùng đất rộng lớn chỉ có vài căn nhà của những người bản địa.

Ông cùng vợ chặt cây, phủ bạt làm chòi ở tạm, rồi khai hoang trồng các loại rau, củ, quả theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ông ngăn suối, đắp bờ làm lúa nước, trồng đậu, ngô, cà-phê. Ngày tháng dần trôi, nhờ siêng năng, nhanh nhạy và sáng tạo trong lao động, gia đình ông từ chỗ chạy từng bữa ăn đến nay đã có của ăn, của để. Ngoài tích góp làm được căn nhà gỗ cao ráo, sạch đẹp, diện tích đất canh tác của gia đình hiện có 7 ha, trong đó có 3 sào ruộng lúa 2 vụ/năm, 1 ha cà-phê, 5 ha trồng keo lai. Gia đình đang trồng thử nghiệm 5 sào cây dổi vì giá trị kinh tế hạt dổi rất cao (từ 500.000 đến 600.000/kg hạt khô).

Năm 2001, ông Thành tham gia làm công an viên thôn Ea Lang. Năm 2006, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Đến 2008, chính quyền tách thôn Ea Lang làm 4 thôn, từ đó đến nay ông Thành nhiều năm liên tục làm Trưởng thôn, kiêm nhiệm nhiều chức danh khác, rồi làm Bí thư Chi bộ thôn Cư Tê.

Thôn Cư Tê có 240 hộ, 1.534 nhân khẩu với 99% là người H’Mông ở tỉnh Hà Giang di dân tự do vào. Lúc mới vào, đa số bà con thuộc diện nghèo, đến nay cuộc sống đã đổi thay nhiều. Không ít hộ trong thôn từ thiếu ăn, thiếu mặc đến nay đã thoát nghèo, biết cách làm giàu trên chính mảnh đất này nhờ công sức không nhỏ của Bí thư chi bộ Hùng Xuân Thành.

Gia đình ông Hùng Xuân Xèng trong thôn có năm người con, thuộc diện khó khăn. Trước khi bắt tay vào làm kinh tế, ông Xèng sợ đủ thứ, trồng cà-phê thì sợ không có phân bón, trồng rừng sợ không có đường đi... Bí thư chi bộ thôn Hùng Xuân Thành đã đến tận nhà kể câu chuyện làm kinh tế của gia đình mình, rồi vận động, khuyến khích động viên. Đến nay gia đình ông Xèng có 4 ha rừng, hơn 1 ha đã cho thu hoạch, nuôi được bốn con trâu, có máy công nông phục vụ sản xuất.

Năm 2022, hộ ông Xèng được Ban Chấp hành Hội Nông dân xã bình xét là một trong những gia đình nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Hộ ông Cháng Seo Pao có bốn người con, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Ông Pao gặp Bí thư chi bộ thôn thường than thở không biết giờ mình phải làm gì để thoát nghèo. Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ và động viên của Bí thư chi bộ, nhà ông Pao dần có đời sống khấm khá, đã mua được xe tải để chở keo, có hơn 1 ha cà-phê, gần 6 ha rừng keo, trong đó hơn 1,5 ha đã cho thu hoạch.

Gia đình Bí thư chi bộ Thành luôn tiên phong làm mẫu từ cấy lúa nước đến trồng hoa màu, trồng rừng để bà con trong thôn làm theo. Từ thực tiễn sản xuất, ông Thành đã rút ra kinh nghiệm: Địa hình thôn Cư Tê là đất đồi, cứ bón phân thì mưa sẽ trôi đi hết, cây ngô chỉ đạt năng suất ở một, hai năm đầu, nếu tiếp tục trồng sẽ không hiệu quả.

Chuyển sang trồng cây mì cũng chỉ được vài năm, sau lại sinh bệnh nấm và thối. Ông nhận thấy, để phát triển kinh tế bền vững, hạn chế tái nghèo, chỉ có cách động viên bà con chuyển sang trồng keo, trồng rừng. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo về thiếu vốn, không có đường đi, xe không vào được, sản phẩm làm ra tiêu thụ thế nào…

Ông đã đề xuất Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho bà con vay vốn; mỗi hộ trồng keo được vay 50 triệu đồng. Để người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả, ông Thành đến từng gia đình tư vấn: “Không phải trồng ồ ạt mà trồng ở những nơi đất bạc màu. Những nơi đất tốt vẫn phải duy trì phát triển rau màu, tiêu, cà-phê… Phải căn cứ vào diện tích xác định sẽ trồng rừng để vay, không nên vay nhiều mà về sau không trả nổi”.

Năm 2017, ông Thành vận động gia đình thuê máy múc về làm đường và là hộ đầu tiên trong thôn trồng keo. Mỗi năm ông trồng thêm 1 ha, đến nay đã có 5 ha rừng keo. Năm 2022, gia đình ông khai thác lứa keo đầu tiên, thu được gần trăm triệu đồng. Thấy ông Thành trồng keo có hiệu quả, người dân trong thôn có thêm niềm tin cùng làm theo. Từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng rừng ở thôn Cư Tê liên tục tăng. Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền xã chủ trương phát triển diện tích trồng rừng của thôn Cư Tê là 50 ha, nhưng cuối năm, diện tích trồng rừng lên đến 285 ha vượt chỉ tiêu nhiều lần.

Năm 2017, ông Thành vận động gia đình thuê máy múc về làm đường và là hộ đầu tiên trong thôn trồng keo.

Bí thư Thành còn vận động bà con hiến đất mở rộng đường và làm đường bê-tông. Nhờ đó, hệ thống đường trong thôn bê-tông hóa được hơn 80%; điện lưới được kéo về thôn từ năm 2006. Trong thôn Cư Tê có hai điểm trường khang trang là điểm Trường tiểu học Cư Pui 2, có 3 phòng học; điểm Trường mẫu giáo Hoa Pơ Lang, có 2 phòng học. Năm 2020, thôn Cư Tê được công nhận thôn văn hóa. Từ những đề xuất của ông Thành, năm 2022 thôn Cư Tê có hệ thống nước sạch tập trung cung cấp cho người dân.

Ngoài công tác xã hội, ông Thành luôn trăn trở giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ông cho biết: “Người H’Mông mình không thể thiếu tiếng khèn, tiếng sáo, khèn môi, khèn lá. Mình là Bí thư chi bộ, mình nói mà mình không làm thì người ta không tin tưởng, đặc biệt là lớp trẻ bây giờ”. Nghĩ là làm, ông Thành lặn lội về tận Hoàng Su Phì mua khèn, sáo…

Những ngày lễ, Tết, ngày hội đại đoàn kết dân tộc, từ sáng sớm, tiếng khèn vui nhộn do đích thân ông Bí thư thổi có sự thu hút, thuyết phục lớn. Người già, con trẻ, thanh niên ăn mặc đẹp lũ lượt tìm đến múa, hát, ôn lại truyền thống dân tộc mình. Đến nay trong thôn có gần 20 người sử dụng thành thạo khèn, sáo và họ là những hạt nhân truyền dạy cho lớp trẻ, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa H’ Mông trên quê hương mới.

Tạm biệt thôn Cư Tê, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh và lời nói nhiệt huyết của Bí thư chi bộ Hùng Xuân Thành: “Là những người dân di cư về Cư Tê, chúng tôi coi đây như quê hương thứ hai của mình. Từ không có gì, đến nay chúng tôi đã có cuộc sống ổn định, ấm no. Chúng tôi luôn biết ơn Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ…”.

Ông Y Lai Niê, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Pui, đảng viên tăng cường 10 năm liên tục tại thôn Cư Tê tâm đắc khi nói về Bí thư chi bộ Hùng Xuân Thành: “Đồng chí Thành là đảng viên gương mẫu đi đầu trong tất cả các phong trào, từ phát triển kinh tế cho đến giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của người H’Mông.

Trong công việc, đồng chí có trách nhiệm cao với địa phương và cộng đồng. Những nhiệm vụ được giao, đồng chí Thành triển khai đến bà con rất nhanh so với các thôn khác. Ông nói được làm được nên có uy tín, tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng”.