Bí thư Chi bộ góp sức thay đổi bản nghèo

Ông Tao Văn Kẻo sinh năm 1964 dân tộc Lự, Bí thư Chi bộ bản Pậu, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã “thổi luồng gió mới" cùng bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Tao Văn Kẻo.
Mô hình nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Tao Văn Kẻo.

Có dịp về thăm xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), hỏi về ông Tao Văn Kẻo, Bí thư Chi bộ bản Pậu, không ai là không biết. Bởi ông không chỉ là gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, mà còn là một trong những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, ông Kẻo kể về quá trình vươn lên trong cuộc sống và tham gia công tác tại địa phương. Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, không có điều kiện học tập nhiều, năm 1982, chàng trai Tao Văn Kẻo xây dựng gia đình, bố mẹ cho ra ở riêng. Ban đầu cuộc sống còn gặp không ít khó khăn, song hai vợ chồng trẻ bảo ban nhau làm lụng, tuy nhiên đời sống không khấm khá là bao.

Vốn là người chịu khó, nhiệt tình năng nổ trong các hoạt động của bản, của xã, năm 2001 ông Kẻo vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 2003, ông được bầu giữ Bí thư Chi bộ bản Pậu cho đến nay.

Theo lãnh đạo xã Nậm Tăm, ông là đảng viên được tín nhiệm giữ cương vị bí thư chi bộ bản lâu nhất, đến nay hơn 21 năm, được biết trước đó ông có hơn 17 năm là cộng tác viên dân số của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ.

Bí thư Chi bộ góp sức thay đổi bản nghèo ảnh 2

Ông Tao Văn Kẻo chia sẻ kinh nghiệm nuôi lấy mật cho mọi người.

Năm 2021, HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết 07 về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 có thêm nội dung hỗ trợ nuôi ong. Là người có nhiều năm sống gần gũi với rừng, nắm rõ quy luật sinh trưởng của ong cũng như thấy được lợi thế vùng đất Nậm Tăm được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong gắn với tự nhiên.

Một thực trạng, bà con lâu nay chỉ đi tìm ong lấy mật, cũng có vài người bắt ong trên núi về nuôi thuần tại nhà, rồi khai thác mật phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, chỉ với quy mô nhỏ và chỉ áp dụng những kỹ năng được truyền tay, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong, nên năng suất và chất lượng không cao.

Với những ưu đãi từ chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh, năm 2021, ông Kẻo tiếp cận nguồn vốn trên kết hợp với nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Bước đầu ông Kẻo đầu tư 20 thùng ong, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và những hộ nuôi ong ở Tân Uyên, Than Uyên, cũng những kinh nghiệm bao năm đi rừng, dần dần ông hiểu hơn thuộc tính và quy luật sinh trưởng của ong.

Bí thư Chi bộ góp sức thay đổi bản nghèo ảnh 3

Từ mô hình nuôi ong của gia đình ông Kẻo, bản Pậu hiện đã có hàng chục hộ học theo, cùng tham gia nuôi ong lấy mật.

Nhờ thay đổi phương thức sản xuất, từ nuôi ong theo phương pháp thủ công chuyển sang nuôi ong dùng thùng gỗ, áp dụng khoa học kỹ thuật, đàn ong sinh trưởng và nhân đàn đến nay ông Kẻo đã có gần 100 thùng ong.

Mỗi đợt quay ong, gia đình thu được vài ba trăm lít mật, với giá bán buôn khoảng 150 nghìn đồng/lít, mỗi năm lượng mật mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.

Từ mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông, nhiều hộ trong xã được ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm. Hiện, ông đang nhân đàn giúp thêm hơn 10 hộ trong xã cùng nuôi ong lấy mật. Ông Kẻo mong muốn đưa sản phẩm mật ong bản Pậu phát triển theo chuỗi hàng hóa, xây dựng thành công mật ong bản Pậu thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Không chỉ đi đầu, gương mẫu trong phát triển kinh tế, chia sẻ giúp bà con cùng phát triển, Bí thư Chi bộ Tao Văn Kẻo là người đi đầu thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất, góp công sức, tiền của làm đường giao thông thôn nông thôn mới.

Được biết, năm 2015 xã Nậm Tăm phấn đấu về đích Nông thôn mới, một trong những tiêu chí còn vướng mắc khi thực hiện là làm đường giao thông; vì khi triển triển khai, một số hộ dân chưa hiểu, không chịu hiến đất, phá bỏ cây cối để làm đường.

Bí thư Chi bộ góp sức thay đổi bản nghèo ảnh 4

Ông Kẻo và người dân bản Pậu là những điểm sáng góp phần cùng chính quyền nhân dân trong xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trước khó khăn đó, Bí thư Chi bộ Tao Văn Kẻo đã cùng các đồng chí trong cấp ủy và các đảng viên trong chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Sau đó chia thành các nhóm đi đến từng nhà dân tuyên truyền, phân tích cái được, cái mất và lợi ích lâu dài khi có đường giao thông thuận lợi. Ngoài tuyên truyền, vận động, trước tiên gia đình ông Kẻo đã tự nguyện hiến hơn 100m2 đất để làm đường giao thông ra trung tâm xã và đường nội bản.

Năm 2016 xã Nậm Tăm hoàn thành nông thôn mới, để có được thành quả đó là có sự góp sức không nhỏ của ông Kẻo trong việc đi đầu tự giác hiến đất, tuyên truyền, vận động, đả thông tư tưởng người dân bản Pậu đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Kết quả, bà con đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2, hàng trăm ngày công để làm đường giao thông, di dời chuồng trại xa nhà.

Hiện nay, bản Pậu có hơn 130 hộ, trong đó phần lớn là đồng bào là dân tộc Lự, theo như tính toán hiện thu nhập bình quân đầu người của bản đạt khoảng 45 triệu đồng/người cao hơn so với mức bình quân của cả xã; số hộ nghèo trong bản hàng năm giảm mạnh; hiện toàn bản còn chưa đầy 10% hộ nghèo. Số hộ thoát nghèo vươn lên khấm khá cũng tăng theo từng năm. Nhiều hộ đã sắm được các vật dụng tiện nghi có giá trị, có hơn 90% hộ đạt gia đình văn hóa. Nhiều năm liền Chi bộ bản Pậu đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; thôn bản văn hóa…

Khi nhắc về Bí thư Chi bộ Tao Văn Kẻo, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm Cà Văn Nguyên phấn khởi: “Những lớp cán bộ đảng viên gắn bó cơ sở như ông Kẻo giờ không nhiều. Ông Kẻo là đảng gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, ham học, sẵn sàng chia sẻ, cùng bà con vượt qua những gian khó ban đầu. Vậy nên, khi ông Kẻo nói, bà con ai cũng nghe cũng tin…”