Bộ Giao thông vận tải cam kết, khi hoàn thành tuyến cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), sẽ bảo đảm có đầy đủ các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác, vận hành.
Đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, trạm dừng nghỉ là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, là công trình dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Chiếu theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc (TCVN 5729:2012), trung bình khoảng 50-60 km bố trí một trạm dừng nghỉ để cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn uống,...
Tiêu chuẩn đã quy định mỗi 50-60 km có trạm dừng nghỉ bình thường và mỗi 120 km có trạm có quy mô lớn hơn, thậm chí có nhà nghỉ. Việc hoạch định mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam phải có tầm nhìn dài hạn, tham khảo kinh nghiệm đầu tư trạm dừng nghỉ trong nước và quốc tế. Cần chuẩn hóa thiết kế trạm dừng nghỉ theo công năng sử dụng để nhà đầu tư dễ hình dung các hạng mục công trình. Tuyến cao tốc nào lưu lượng xe chưa cao, nhà đầu tư có thể phân kỳ đến khi hoàn thiện.
Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam
Theo Cục trưởng Ðường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Lê Kim Thành, lâu nay việc đầu tư trạm dừng nghỉ vẫn được cơ quan có thẩm quyền định hướng theo hình thức xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do một số quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng, nên việc triển khai đầu tư theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ nhu cầu của nhân dân đối với một số đoạn mới hoàn thành đưa vào khai thác.
Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ; tạo cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đầu tư trạm dừng nghỉ.
Các cơ quan tham mưu của bộ đã hoàn thành thẩm định, trình phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc bắc-nam bố trí 36 trạm (khoảng cách bình quân khoảng 59 km); trong đó có 7 trạm đã đưa vào khai thác và 2 trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện. Trong số 27 trạm chưa đầu tư, có 20 trạm được hoạch định quy mô khoảng 5 ha/bên, 7 trạm còn lại gần các đầu mối giao thông, đô thị lớn, hoạch định với quy mô khoảng 3 ha/bên, bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đường cao tốc.
Tại quyết định phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Giao thông vận tải giao các Ban Quản lý dự án và Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ tại các dự án cao tốc do bộ quản lý, bảo đảm tuân thủ quy định, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ. Cục Ðường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ điều kiện cụ thể khu vực xây dựng trạm dừng nghỉ để chuẩn xác quy mô trạm dừng nghỉ và các hạng mục công trình, bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp quy định. Các trạm dừng nghỉ tại dự án đường cao tốc do địa phương quản lý, việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ do địa phương tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật.
Toàn bộ các trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai. Sau khi công bố danh mục dự án, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3-5 tháng (phụ thuộc số lượng nhà đầu tư đăng ký, đủ điều kiện tham gia). Thời gian dự kiến hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng, phấn đấu đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Việc xây dựng các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc rất cần thiết. |
Thay đổi tư duy, cách làm
Nhiều lái xe đường dài không còn lạ lẫm với sự bất tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc như Trung Lương-Mỹ Thuận, Ðà Nẵng-Quảng Ngãi hay Bắc Giang-Lạng Sơn,... tuy đã khai thác nhiều năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Thậm chí, tuyến Vĩnh Hảo-Phan Thiết-Dầu Giây dài hơn 170 km cũng không có. Thời điểm hiện tại, cả nước đã có gần 1.200 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, nhưng nhiều đoạn chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng hay điểm dừng xe kỹ thuật để lái xe, hành khách nghỉ ngơi, ăn uống, tiếp nhiên liệu,...
Nhu cầu trạm dừng nghỉ trên cao tốc hết sức cấp bách, nhà đầu tư “xếp hàng” xin tham gia, vấn đề là cơ chế, cách thức như thế nào để triển khai sớm và khả thi. Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.000 km đường bộ cao tốc, do đó để hấp dẫn nhà đầu tư làm trạm dịch vụ đồng bộ khi xây dựng đường cao tốc, cần thay đổi từ quy hoạch, cách nghĩ, cách làm. Việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa được nhận định còn nhiều vướng mắc do một số tuyến cao tốc lưu lượng xe thấp.
Khi bỏ tiền đầu tư, doanh nghiệp phải phân tích phương án cụ thể, quan trọng nhất là phương án hoàn vốn. Tiến sĩ Trần Chủng nêu quan điểm, hiện nay, có tình trạng mặc định là trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó quyết định đầu tư, trong khi nhà đầu tư của địa phương chưa chắc đã đủ tiềm lực.
Do đó, các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam tới đây cần công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô từng trạm để nhà đầu tư lựa chọn và tham gia thông qua hình thức đấu thầu. Thực tế, quá trình xây dựng vừa qua, một số vị trí trạm không phát huy hiệu quả. Trạm dừng nghỉ ngoài phục vụ hành khách còn phải kinh doanh được mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Trong bối cảnh vốn đầu tư công phải dành cho phát triển đường cao tốc, Nhà nước không bỏ tiền ra làm những công trình có khả năng thu hút đầu tư. Bộ đang nghiên cứu sử dụng vốn đầu tư công, bỏ ra một phần chi phí để giải phóng và san lấp mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để dễ thu hút nhà đầu tư hơn. Trong trường hợp đặc biệt, các vị trí ở vùng sâu, vùng xa, Nhà nước có thể bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng đồng bộ cả tuyến đường và trạm dừng nghỉ. Ðến khi lưu lượng xe tăng cao, có thể bán quyền quản lý khai thác cho tư nhân.
Ðối với dự án tuyến cao tốc bắc-nam, để đẩy nhanh tiến độ thi công, Quốc hội đã có các cơ chế đặc thù chung như cho phép chỉ định thầu tư vấn thiết kế, chỉ định thầu thi công, do đó các chuyên gia giao thông nhận định, mặc dù nhu cầu trạm dừng nghỉ rất cấp thiết, song đây cũng chỉ là 1 hạng mục của dự án đường cao tốc, không nên phát sinh thêm cơ chế đặc thù cho trạm dừng nghỉ. Cần cải thiện quy trình, cùng với xây dựng tuyến đường, có thể tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, xây dựng đồng bộ để khi dự án cao tốc đưa vào khai thác, sẽ có ngay trạm dừng nghỉ.
Một số tuyến có nhu cầu cấp thiết, chưa đủ điều kiện xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy chuẩn, trong khoảng thời gian kêu gọi đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo nghiên cứu đầu tư điểm dừng xe tạm thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đến khi sử dụng và khai thác hiệu quả, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cấp thành trạm dừng nghỉ. Theo nhận định của Bộ, khi toàn tuyến cao tốc bắc-nam hoàn thành, lưu lượng xe tăng cao và ổn định, nhà đầu tư sẽ được bảo đảm hơn về tiếp cận nguồn vốn vay và khả năng thu hồi vốn.
Bộ Giao thông vận tải đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc như Tập đoàn Ðèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Phương Thành, Công ty Ðiện máy xăng dầu Trần Phú, Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Ðịnh An,... Ngoài ra, các trạm dừng nghỉ dọc tuyến cao tốc bắc-nam cũng có sự góp mặt của một số nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn BTP Holdings-Goldsun Food-Tập đoàn Chang Jo-Tập đoàn Deabo.