Tám giải pháp trọng tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Năm 2022, nhận định rõ dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; một số chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có sự thay đổi từ năm 2022… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đặt ra tám giải pháp trọng tâm để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, toàn ngành đã thống nhất quan điểm chỉ đạo “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ” với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả".

Lấy người dân, doanh nghiệp làm "trung tâm" phục vụ

Dịch Covid-19 có thể kéo dài trong năm 2022 với diễn biến khó lường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người lao động, người dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có sự thay đổi từ năm 2022, như: nâng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu; theo Quyết định số 861/QĐ-TTg trong đó có khoảng 2,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình đó đặt ra những yêu cầu phải đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng từ khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, nhất là số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại, người lao động tiếp tục được quay lại làm việc tăng lên. Thống kê cho thấy, số lao động trở lại làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội trong những tháng cuối năm 2021 gia tăng lần lượt như sau: tháng 10 tăng gần 972 nghìn người so tháng 9; tháng 11 tăng hơn 600 nghìn người so tháng 10; tháng 12 tăng hơn 330 nghìn người so tháng 11...

Tại dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra chỉ tiêu: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 37-38% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung cao độ, nỗ lực lớn nhất, quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; linh hoạt trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tốt nhất nguồn lực sẵn có của ngành; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền trách nhiệm;...

Tập trung tám giải pháp trọng tâm

Bên cạnh những kết quả quan trọng mà ngành bảo hiểm xã hội đạt được trong năm 2021, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ rõ một số khó khăn, thách thức. Đó là: khuôn khổ pháp lý hiện hành còn có vướng mắc cần phải được rà soát, hoàn thiện, nhất là một số quy định tại các luật liên quan (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, thanh tra,...). Tác động của dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia và một số chỉ tiêu về độ bao phủ; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra. Một số nơi nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung thực hiện tám nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền... đưa ra các giải pháp sát sao, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sớm với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp... Tăng cường đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ bảo đảm chính xác, kịp thời, thuận tiện; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ người dân… Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực, để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bởi nhận thức của nhân dân thông suốt thì chính sách mới bền vững...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách ■