Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu hạn chế mổ phiên: Bác sĩ đau xót, bệnh nhân hoang mang

NDO - Nữ bệnh nhân 70 tuổi, quê Hưng Yên bị thoái hóa khớp gối nặng, biến dạng chân, đã làm xong thủ tục xin chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ thay khớp gối vào ngày 1/3. Tuy nhiên, tại khoa này, khớp gối thích hợp với người bệnh đã hết. Bác sĩ chỉ đành lắc đầu, không thể tiếp nhận mổ.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu hạn chế mổ phiên: Bác sĩ đau xót, bệnh nhân hoang mang

Đó là một trong những câu chuyện diễn ra trong 2 ngày qua tại bệnh viện ngoại khoa tuyến đầu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

2/3 các khoa mổ cầm chừng

70 tuổi, bị thoái hóa khớp gối nặng, bà N.T.T (Hưng Yên) mãi mới làm thủ tục xin được chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thay khớp gối để thoát khỏi tình trạng đau đớn bà phải chịu đựng suốt từ Tết đến giờ. 3 người nhà đi theo, đồ đạc lỉnh kỉnh lên bệnh viện sáng 1/3 với niềm hy vọng sớm được mổ.

Thế nhưng đổi lại với sự chuẩn bị kỹ càng của gia đình, các bác sĩ cho biết: "Khớp gối phù hợp với người bệnh này hiện chúng tôi đã hết, chưa biết khi nào có vật tư để phẫu thuật thay được khớp gối cho bà".

Mới xin chuyển tuyến từ Bắc Giang lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sáng 1/3, bà H.T.N (68 tuổi) bị xẹp cột sống, 2 chân không thể đi lại được phải ngồi xe lăn. Bà đã hoàn tất chụp MRI ngày 1/3 và đang làm các xét nghiệm khác để hy vọng sẽ được mổ sớm. "Bác sĩ chỉ định cho đi làm các xét nghiệm, còn tôi cũng chưa biết khi nào được mổ", bà N. bày tỏ sự hoang mang.

Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu hạn chế mổ phiên: Bác sĩ đau xót, bệnh nhân hoang mang ảnh 1

Bệnh nhân bị xẹp cột sống đang làm các xét nghiệm để chờ được xếp lịch mổ.

Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sáng 2/3 không có tình trạng quá tải bệnh nhân tới khám so với những ngày trước. Sau khi có thông tin bệnh viện tạm dừng mổ phiên, chỉ đủ hóa chất, vật tư tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, không ít bệnh nhân sau khi khám xét xong phải quay về.

Theo thông tin của phóng viên, trung bình một ngày tại một khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình sẽ phẫu thuật cho 40-45 trường hợp, nhưng ngày 1/3, chỉ còn đủ vật tư, hóa chất để mổ 20 ca.

Một bác sĩ cho hay: “Trên lịch mổ cứng đã được sắp xếp trước vào ngày 1/3, riêng tôi sẽ mổ 19 bệnh nhân, nhưng chỉ đủ vật tư, hóa chất mổ cho 9 bệnh nhân. Những trường hợp khác, chúng tôi phải tư vấn cho người bệnh chờ”.

Theo phân tích của các bác sĩ, hiện có 3 nhóm bệnh nhân: nhóm một là bệnh nhân cấp cứu không thể trì hoãn bắt buộc phải mổ cấp cứu ngay; thứ 2 là nhóm bệnh nhân nặng mổ càng sớm càng tốt và ba là nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được.

Với nhóm 1, các bác sĩ phải mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Ở nhóm này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ưu tiên hàng đầu. Ở nhóm thứ 2, tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ cân nhắc vì bệnh nhân nặng sẽ phải làm xét nghiệm sau mổ rất nhiều lần, vật tư tiêu tốn bằng 3-4 bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, hiện các hóa chất để làm các xét nghiệm sau mổ cũng rất hạn chế nên những trường hợp này cũng phải “chậm lại”.

Nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được thuộc nhóm gây tê tủy sống, các bác sĩ có thể sử dụng thuốc khác hoặc dùng gây tê thân thần kinh để tiến hành mổ, nhưng con số này cũng rất hạn chế. “Chủ yếu hầu hết những trường hợp này đã được làm xét nghiệm máu, chờ trước cả tháng thì chúng tôi mổ nốt, còn nhóm mới rất hạn chế”.

Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu hạn chế mổ phiên: Bác sĩ đau xót, bệnh nhân hoang mang ảnh 2

Bệnh nhân chờ làm các xét nghiệm lâm sàng sáng 2/3.

Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện bệnh viện thiếu cả hóa chất dành cho bệnh nhân ghép tạng mà việc tìm kiếm tạng để ghép phù hợp cho từng bệnh nhân rất khó. Tạng hiến chỉ có thời gian ngắn để ghép cho người bệnh. Thiếu hóa chất này, người muốn sống không được sống, tạng hiến cũng phải bỏ phí vì không thể ghép được.

Bệnh viện cũng đang thiếu hóa chất là khí máu. Tất cả bệnh nhân hồi sức tích cực, thở máy đều phải theo dõi khí máu, có nghĩa là theo dõi nồng độ oxy và nồng độ khác trong máu hoặc các loại khí để điều chỉnh thuốc.

Nếu thiếu thuốc hóa chất khí máu, bác sĩ sẽ không biết bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nào để kịp thời xử lý, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Bác sĩ này cũng phân tích thêm, việc thiếu thuốc chống đông cũng sẽ dẫn đến tình trạng, nếu mổ bệnh nhân thay khớp gối, khớp háng, bệnh nhân mạch máu, bệnh nhân thay van tim mà thiếu hóa chất này dễ dẫn đến tắc mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, nguy cơ phải cắt cụt chân hoặc tử vong.

Các bác sĩ đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu dần vật tư, trang thiết bị thiếu yếu trong một thời gian dài. “Nhiều ca mổ nội soi cần 3-4 dụng cụ, ngày hôm nay (1/3), chúng tôi phải hấp lại đồ cũ, hoặc tôi phải dùng đồ cá nhân của mình, không tính tiền cho bệnh nhân, không thể yêu cầu bệnh nhân mua vật tư, hóa chất ở ngoài mang vào. Và hiện tại, ngay cả những đồ đó không còn nhiều”, một bác sĩ cho hay.

Người bệnh thiệt thòi, bác sĩ bất lực

Trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, mọi người khi ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nơi công dân cư trú, lao động, học tập. Người bệnh còn được chọn thầy thuốc hoặc lương y, chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tiếp nhận và xử trí mọi trường hợp cấp cứu.

Trong trường hợp này, các bác sĩ từ chối không phẫu thuật cho người bệnh là đang đi ngược lại với Luật. Việc 2/3 các khoa mổ cầm chừng, hoãn mổ có thể khiến bệnh nhân nhẹ chuyển dần sang nặng.

“Chúng tôi không thể làm gì khác nữa khi tình trạng chung là thiếu vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Chúng tôi phân chia nhau quản lý các nhóm bệnh nhân, gọi điện để tư vấn cho từng trường hợp để chờ vật tư, hóa chất, cho đơn thuốc điều trị tạm thời trong giai đoạn chờ đợi”, một bác sĩ nói.

Ngoài việc tiếp nhận bệnh nhân vào thẳng khám, cấp cứu, bệnh viện ngoại khoa hàng đầu như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn phải tiếp nhận bệnh nhân nặng do tuyến dưới chuyển lên, mà không phải trường hợp nào cũng là chuyển tuyến cấp cứu.

“Nếu ứ ở Bệnh viện Việt Đức, thì sẽ ứ bệnh nhân tại các tỉnh. Bệnh viện Việt Đức ngừng mổ, không có nghĩa các bệnh nhân nặng không chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Hôm qua, trường hợp bệnh nhân 70 tuổi gẫy cổ xương đùi mới liên lạc xin lên mổ, chúng tôi cũng không tiếp nhận được dù trường hợp này cũng phải mổ trong 1-2 tuần, nếu không sẽ bị loét do tì đè, có thể chết do bội nhiễm phổi. Giờ có nhiều hãng trúng thầu nhưng cũng không cung cấp đủ vật tư vì nhập rất khó”, chuyên gia phẫu thuật chua xót nói.

Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu hạn chế mổ phiên: Bác sĩ đau xót, bệnh nhân hoang mang ảnh 3

Một số bệnh nhân bày tỏ hoang mang khi bệnh viện tạm dừng mổ phiên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trường hợp thay khớp gối, khớp háng có thể chi phí từ 50-100 triệu đồng/trường hợp. Nếu bệnh viện đủ vật tư, hóa chất cho phẫu thuật, bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chi phí này sẽ giảm đi rất nhiều. Người bệnh đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi không được chăm sóc sức khỏe kịp thời khi họ đã tới cơ sở y tế.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một năm mổ 80 nghìn ca, việc hoãn mổ ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh.

Cũng theo Giáo sư Giang, hiện một số hóa chất tồn kho phục vụ xét nghiệm cấp cứu đã sắp hết và việc đấu thầu mua sắm gặp vướng mắc chưa thể thực hiện được, đang chờ Chính phủ giải quyết để có vật tư, quay lại mổ bình thường.

Từ ngày 1/3, bệnh viện vẫn nhận bệnh nhân bình thường. Bệnh viện ưu tiên cho mổ cấp cứu, bắt đầu hạn chế sử dụng hóa chất. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu.

Trường hợp bệnh viện công bố dừng mổ phiên nhưng bệnh nhân vẫn đến, bác sĩ sẽ giải thích về tình hình thiếu vật tư, hóa chất.

“Bệnh viện vẫn làm việc bình thường, cố gắng phục vụ người bệnh. Chúng tôi tuỳ thuộc vào việc thiếu vật tư nào thì mới dừng mổ. Nếu bệnh nhân chấp nhận ở lại chờ đợi thì bệnh viện sẽ thu xếp lịch mổ khi có hóa chất, vật tư y tế. Nếu bệnh nhân đi nơi khác là quyền của người bệnh", Giáo sư Trần Bình Giang cho hay.

-----

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.