Bệnh viện ngoài công lập đầu tiên thành lập Ngân hàng Mô

NDO - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 trở thành một đơn vị cùng với Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đồng hành tuyên truyền vận động thu nhận giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người bệnh không may bị mù do các bệnh lý giác mạc gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Y tế trao quyết định cấp giấy phép hoạt động cho Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Thứ trưởng Y tế trao quyết định cấp giấy phép hoạt động cho Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Ngày 13/6, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức “Lễ ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (https://eyebank.vn) được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động ngày 29/2/2024 theo quyết định số 06/BYT-GPHĐNHM với vai trò tuyên truyền, thu nhận bảo quản giác mạc, củng mạc và màng ối. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 trở thành một đơn vị cùng với Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đồng hành tuyên truyền vận động thu nhận giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người bệnh không may bị mù do các bệnh lý giác mạc gây ra.

Được sự đồng ý của Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng ra mắt Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người nhằm tuyên truyền, vận động người dân hiến mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.

Bệnh viện ngoài công lập đầu tiên thành lập Ngân hàng Mô ảnh 2
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người.

Dịp này, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng tổ chức “Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người” nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" ngày 19/5 vừa qua và triển khai các hoạt động vận động hiến mô, tạng, giác mạc và bộ phận cơ thể người đến mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực. Trong cuộc sống, đôi mắt không chỉ là cửa sổ tâm hồn, mà còn là công cụ quan trọng giúp chúng ta tiếp cận thế giới. Đối với những người không may bị khiếm thị, ánh sáng là một điều vô cùng quý giá và thiêng liêng. Chính vì vậy, việc hiến giác mạc không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, mà còn là món quà vô giá mà chúng ta có thể dành tặng cho những người cần đến nó.

Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình, Nam Định đến nay đã có hơn 20 tỉnh thành trong cả nước đã có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời… Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường.

Theo ước tính Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng.

Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo nhưng do nguồn giác mạc khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Bệnh viện ngoài công lập đầu tiên thành lập Ngân hàng Mô ảnh 3
Các đại biểu phát động phong trào hiến đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động chương trình đăng ký hiến mô, tạng sáng ngày 19/5 vừa qua, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ra mắt Ngân hàng mô, thành lập Chi hội vận động hiến tạng thuộc Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người là hành động hết sức đúng đắn và kịp thời. Nó giúp đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng, giác mạc.

Hàng nghìn người bệnh đang chờ đợi một cơ hội để được nhìn thấy ánh sáng trở lại, để có thể tự mình đọc sách, ngắm nhìn gương mặt người thân, hay đơn giản chỉ là thấy được những sắc màu của cuộc sống. Trong số đó, có không ít trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước, đang ngày ngày mong mỏi một phép màu để có thể được học tập, vui chơi như bao bạn bè đồng trang lứa.

Khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Đây là một hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh. Bằng cách hiến giác mạc, chúng ta không chỉ giúp đỡ người bệnh, mà còn để lại một di sản quý giá cho cuộc đời, biến sự ra đi của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Bệnh viện ngoài công lập đầu tiên thành lập Ngân hàng Mô ảnh 4

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu ý kiến tại buổi lễ.

Nhân sự kiện này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn kêu gọi mọi người hãy lan tỏa thông điệp Hiến giác mạc - một hành động nhỏ, nhưng mang lại giá trị lớn lao, để mỗi người trong chúng ta đều trở thành một tấm gương sáng, góp phần mang lại ánh sáng và niềm hy vọng cho những người bệnh đang cần đến nó.

Ngân hàng mô/giác mạc ra đời, không chỉ là nơi tiếp nhận, bảo quản và phân phối các mô, giác mạc được hiến tặng, mà còn là trung tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ghép mô, giác mạc.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng và giác mạc. Mặt khác sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội để triển khai các chương trình, dự án liên quan, đảm bảo chương trình đạt được hiệu quả và bền vững.

Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô, tạng, giác mạc, góp phần cứu sống hàng nghìn mạng người và mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi.