Bệnh viện Hữu nghị Ða khoa Nghệ An xuống cấp toàn diện

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Ða khoa Nghệ An (BVÐK), sau hơn hai mươi năm hoạt động, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng và toàn diện.

Luôn quá tải

  Bác sĩ Cao Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Giám đốc BVÐK cho biết: Năm 1985, Chính phủ Ba Lan giúp tỉnh Nghệ An xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh mang tên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan. Ðây là trung tâm y tế có quy mô lớn nhất khu vực với 500 giường bệnh cùng trang thiết bị khám, chữa bệnh (KCB) vào loại hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu KCB và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thời gian đầu, với trang thiết bị hiện đại và một đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, trung tâm thu hút người bệnh đến KCB ngày một đông do vậy thường xuyên trong tình trạng quá tải. Mấy năm trở lại đây, nhu cầu KCB ngày càng lớn, bệnh viện phải duy trì chế độ nội trú cho người bệnh luôn ở mức 650 - 700 giường. Riêng sáu tháng đầu năm 2006, tăng đến 673 giường bệnh, (vượt hơn một phần ba so với quy mô ban đầu).

Biện pháp duy nhất để giải quyết là các khoa phải đặt thêm giường bệnh ở bất cứ nơi nào có thể như chèn thêm giường vào từng phòng, ở hành lang, hay khu nhà thuốc của khoa, thậm chí "co" phòng nhân viên lại... Mặc dù từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã "lèn kín"  gần trăm giường bệnh, nhưng thực tế chúng tôi vẫn gặp ở các khoa, cảnh hai người bệnh nằm chung một giường kể cả ở những khoa đáng ra người bệnh phải được thoải mái như chấn thương - chỉnh hình, sản, thần kinh... 

Nhiều khoa có số người bệnh nội trú luôn vượt gấp đôi, gấp ba số giường hiện có. Khoa sản có 60 giường nhưng luôn phải tiếp nhận 100 - 150 người bệnh, tức khoảng 200 - 300 người, cả mẹ lẫn con; Khoa chấn thương- chỉnh hình 30 giường nhưng số người bệnh thường nằm mức 50 - 70 người.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Phan, Phó Trưởng khoa cho biết: Bình thường quá tải, nhưng vào dịp lễ, Tết, hè số người bệnh nhập viện cấp cứu do chấn thương nhiều gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, đành phải "gửi nhờ" sang các khoa khác; thậm chí do thiếu giường cho nên nhiều ca mổ sọ não đành phải "rút ngắn" thời gian (theo quy trình) hậu phẫu tại bệnh viện sau 24 giờ đồng hồ, phải chuyển người bệnh về tuyến dưới để điều trị chăm sóc... Sự quá tải ở BVÐK này gây khó khăn cho công tác điều trị người bệnh. Có người bệnh mổ sọ não nhưng phải chuyển hậu phẫu ở tuyến dưới. Hiện bệnh viện chỉ có năm bàn mổ - trung, đại phẫu thuật  thực hiện 5 - 7 ca mổ/ngày theo kế hoạch nhưng có lúc mổ tới 18 - 20 ca/ngày, chưa kể nhiều lúc thêm 5 - 7 ca cấp cứu...

Chắp vá từ các dự án

Sau 20 năm, các phòng KCB  xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa lớn. Từ ngày bàn giao đi vào hoạt động đến nay, nhiều khoa chưa được chỉnh trang lại. Giám đốc bệnh viện ngậm ngùi nói: "Với điều kiện như hiện nay, chúng tôi không dám mơ bệnh viện là khách sạn có sao như nơi khác.  Một số khoa phòng chức năng đều co lại như nhà số 20 trước đây là Khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu nay "cải tiến" thành phòng làm việc của Ban giám đốc, hành chính,... toàn khoa dồn lại một phòng nhỏ. Toàn bộ hệ thống xét nghiệm, điện quang, đồng bộ, khép kín của Khoa truyền nhiễm nay đã gần xóa sổ. Các xét nghiệm người bệnh giờ đây phải nhờ thiết bị chung của bệnh viện. Hay toàn bộ thiết bị chữa răng của Khoa răng - hàm - mặt đã hư hỏng khá lâu, chỉ còn chữa các bệnh về răng đơn giản...".

Các thiết bị KCB được Ba Lan trang bị vào loại hiện đại nhất lúc bấy giờ như máy điện quang, máy điện tâm đồ, hệ thống xử lý nước thải... do không được nhiệt đới hóa, nên trang thiết bị nhanh chóng bị xuống cấp và hư hỏng. Hiện chỉ còn duy nhất hệ thống giặt là, lò hơi cung cấp hơi khử trùng đồ mổ, chưng nước cất làm dịch truyền... là đang hoạt động nhưng luôn trong tình trạng quá tải và có nguy cơ dừng máy bất cứ lúc nào vì thiết bị quá cũ.

Ðược biết, ngành y tế Nghệ An được UBND tỉnh cấp kinh phí bình quân khoảng một tỷ đồng/năm mua sắm trang thiết bị. Dù ưu tiên nhưng BVÐK cũng chỉ được cấp từ một phần ba đến một phần tư.  Nguồn kinh phí ít ỏi đó chỉ đủ sắm lớn nhất là chiếc máy thở, hỗ trợ trong phẫu thuật. Mới đây, do bức xúc về nhu cầu chữa bệnh của nhân dân, BVÐK được tỉnh "ưu ái" cấp hơn bảy tỷ đồng mua máy chụp cắt lớp CT, phục vụ mổ, bước đầu giải quyết được vấn đề liên quan mổ xẻ phải chụp cắt lớp CT mà trước đây người bệnh phải đến "nhờ" Viện Quân y 4, hay phòng khám đa khoa tư nhân.  Việc lập dự án đầu tư nâng cấp hết sức khó khăn, như dự án đầu tư hệ thống lò hơi, giặt là hơn ba tỷ đồng đã lập xong nhưng kéo dài nhiều tháng nay vẫn chưa được duyệt cấp. Hay giá được duyệt của bóng đèn Cênon - bộ phận quan trọng của máy mổ nội soi chỉ có 28 triệu đồng trong lúc giá thực tế mà các nhà cung cấp chào bán đều 30 triệu đồng, chỉ có vậy mà mất ba tháng sau mới mua được... trong lúc đó, nguồn thu của bệnh viện lại quá eo hẹp.

Theo bà Cao Thị Hà, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán; kinh phí của tỉnh cấp hằng năm theo tiêu chuẩn: 22 triệu đồng/giường bệnh x 500 giường bệnh là không phù hợp. Vì trên thực tế, bệnh viên luôn phải chi cho hoạt động phục vụ là 600 - 700, thậm chí hơn 700 giường bệnh/năm. Mọi khoản, từ lương của 721 cán bộ, công nhân, bù tăng lương 35%, tiền đặc thù, phụ cấp ưu đãi đến bồi dưỡng ca trực và các khoản chi phí khác đều nằm trong khoản kinh phí giường bệnh này.

Trong hai năm lại đây, bệnh viện mới được UBND tỉnh tăng thêm kinh phí hoạt động là 1 tỷ 540 triệu đồng, bằng 70 giường bệnh/năm. Chưa hết, khung viện phí và giá dịch vụ thấp, luôn nằm ở trần dưới của quy định và thấp hơn so với định mức tiêu hao vật tư và sức lao động của nhân viên y tế. Suốt từ năm 1995 đến nay, các đơn giá không hề thay đổi. Một số phẫu thuật của người bệnh BHYT điều trị nội trú không được chi trả, bệnh viện phải tự bỏ tiền ra để phục vụ. Sau nhiều lần đề nghị, đến ngày 9-6-2006 có 159 phẫu thuật, thủ thuật (có mức giá từ 6.000 đến 550.000 đồng/phẫu, thủ thuật) mới được BHYT đồng ý chi trả... nên hầu như bệnh viện không có khoản kinh phí dôi ra để đầu tư mới trang thiết bị KCB.

  Với nhu cầu ngày càng cao trong công tác KCB, bệnh viện luôn phải cập nhật, đổi mới trang thiết bị tiên tiến để phục vụ tốt nhất thì  nơi được xem là một trung tâm y tế của khu vực, bệnh viện tuyến đầu của tỉnh có hơn ba triệu dân này hầu như không được trang bị mới gì hơn ngoài một chiếc máy chụp cắt lớp CT và một chiếc máy mổ nội soi năm lần bảy lượt lên xuống mới xong, chưa kể nhiều trang thiết bị khác như máy chạy thận nhân tạo, máy siêu âm mầu... chưa có, người bệnh phải đến các trung tâm KCB đa khoa tư nhân.

Bệnh viện tồn tại phục vụ người bệnh cho đến nay là nhờ một phần các dự án, chương trình trong nước và quốc tế, như sửa chữa nhà số 3 và 4 "vận dụng" vốn của dự án ADB chống bão lụt; các máy mổ nội soi dạ dày, mổ não... đều nhờ đến dự án của chương trình HIV, H5N1, SAT hay viện trợ của Hội Chữ thập đỏ Ba Lan. Tuy nhiên, phần trợ giúp này không nhiều, các trang thiết bị khác nhất là thiết bị phục vụ mổ đã thiếu, lại lạc hậu và nhiều thứ đã xuống cấp quá mức cho phép.

Một bác sĩ phòng mổ cho biết: "Ngoài việc phải trực 24/24 giờ để theo dõi sự sống của người bệnh sau mổ, chúng tôi phải "trực" luôn các máy ô-xy, mônitơ trợ giúp vì chúng cũng có thể "trở bệnh" bất cứ lúc nào...!". Ðáng sợ nhất là hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khu vệ sinh, nước sinh hoạt, điện của bệnh viện. Sự quá tải đã kéo theo  khối lượng chất thải đổ ra quá lớn, gây ô nhiễm; theo đó các chi phí cho xử lý các vấn đề này cũng tăng theo. Hệ thống xử lý nước thải từ ngày bàn giao đến nay hầu như không được sử dụng, hiện đã hư hỏng hoàn toàn, mặc dù Sở Khoa học - Công nghệ đã kiểm tra và có đề án cải tạo nhưng vẫn nằm trên giấy, trong lúc bệnh viện lấy đâu kinh phí sửa chữa, đành để nước thải "tùy nghi di tản" trong khu vực. Dự án bệnh viện 700 giường đang chuẩn bị khởi công, nhưng liệu bệnh viện mới có kịp tiến độ hoạt động vào năm 2010, trong lúc công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa xong.

Bên cạnh sự xuống cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế ở bệnh viện đang dần mai một về chuyên môn do điều kiện làm việc thiếu thốn. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Danh Linh, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bí thư Ðảng ủy bệnh viện cho biết: BVÐK tỉnh có đội ngũ bác sĩ giỏi mà nhiều nơi khác ao ước, với 85 cán bộ trình độ sau đại học chiếm 11,8%. Trong đó, một tiến sĩ, 14 bác sĩ chuyên khoa 2, 25 thạc sĩ; 45 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 1, trình độ đại học, cao đẳng chiếm 13%. Với trình độ như hiện nay, BVÐK tỉnh tiến hành được nhiều ca phẫu thuật khó, phức tạp như mổ hôn mê, tụ máu mãn tính dưới màng cứng, máu tụ ngoài màng cứng, chấn thương sọ não hở, thay chỏm xương khớp, nối bàn tay đứt lìa... Tuy vậy, những năm gần đây do tác động của kinh tế thị trường cũng như chuyển hướng cơ chế hoạt động của ngành y tế đã làm thay đổi tinh thần phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế.

Mặc dù đã có nhiều văn bản quy định chặt chẽ về y đức và bệnh viện triển khai các phong trào một cách sâu rộng về y đức nhưng không tránh khỏi một số y, bác sĩ sa sút y đức, gây tác động xấu cho người bệnh. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó có chính sách đối với cán bộ y tế phục vụ trong bệnh viện chưa tương xứng. Một cán bộ bệnh viện thừa nhận, do phải làm việc quá tải, các điều dưỡng viên không có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc gia đình, con cái lẫn học tập nâng cao chuyên môn, bằng cấp, ngoại ngữ.

Trong số 12 y sĩ điều dưỡng khoa thần kinh, phần lớn có thâm niên 30 - 32 năm công tác, đã gần đến tuổi về hưu và người trẻ nhất cũng đã có 10 năm công tác nhưng tổng các khoản thu nhập chỉ từ 806 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/tháng... Tình cảnh ở Khoa thần kinh cũng là tình cảnh chung của các khoa khác trong bệnh viện. Cùng đó đội ngũ bác sĩ ở bệnh viên hiện nay là rất thiếu so với biên chế, nhiều khoa chỉ có vài ba bác sĩ. Mặc dù bệnh viện đang có biên chế dành cho bác sĩ mới tốt nghiệp ở các Trường đại học Y Huế, Hà Nội... kể cả khi Sở Y tế có chính sách cấp thêm học bổng 200 nghìn đồng/tháng cho sinh viên từ năm thứ 4 với điều kiện khi tốt nghiệp về phục vụ quê hương, nhưng vẫn vắng bóng. Phần lớn con em cán bộ trong ngành sau khi tốt nghiệp các trường y cũng tìm cách xin ở lại thành phố lớn, nguyên nhân chính là do BVÐK không đủ điều kiện phát triển và thu nhập thấp.

Nâng cấp toàn diện bệnh viện và đẩy nhanh công tác xã hội hóa y tế là yêu cầu bức xúc và trách nhiệm của tỉnh Nghệ An.

MINH THƯ – THÀNH CHÂU