Bệnh viện đa khoa Cà Mau cứu hơn 1.200 bệnh nhân nhồi máu cơ tim

NDO - Nhờ tiếp nhận tốt các kỹ thuật chuyển giao trong điều trị chuyên sâu từ bệnh viện tuyến Trung ương, trong 3 năm gần đây, các “thầy thuốc” tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau đã tự tin can thiệp mạch vành, cứu giúp hơn 1.200 trường hợp nhồi máu cơ tim qua cơn nguy kịch…
0:00 / 0:00
0:00
Ê-kíp can thiệp mạch vành vận hành máy móc, thiết bị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Cà Mau.
Ê-kíp can thiệp mạch vành vận hành máy móc, thiết bị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

Gần đây nhất là trường hợp của bà Hồ Tố Anh (68 tuổi, ngụ xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Theo lời người nhà bệnh nhân, vào trưa 19/2, bà Anh bất ngờ buồn nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi… Thấy dấu hiệu sức khỏe bất thường nên người thân đưa đến bệnh viện tuyến huyện cấp cứu, ngay sau đó được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

Tiếp nhận bệnh nhân Tố Anh trong tình trạng hôn mê, suy tim…, sau khi chuẩn đoán hình ảnh và xác định bệnh nhân bị tắc mạch vành, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Tuấn, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Cà Mau, cùng ê-kíp của bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật “can thiệp mạch vành” nhằm tái thông hệ thống dẫn máu lưu thông cho bệnh nhân một cách nhanh nhất. Nhờ can thiệp kịp thời nêu trên mà bà Tố Anh đã qua cơn thập tử nhất sinh, sức khỏe hiện đang dần hồi phục.

Bà Trang Thị Út, tháp tùng người thân đưa bà Tố Anh đi cấp cứu, nở nụ cười như quên đi tất cả mệt nhọc gần chục ngày qua: “Hồi lúc mới đưa lên xe, nhìn mẹ chồng tôi hôn mê sâu không biết gì, tôi và người thân đi cùng từng nghĩ đến trường hợp xấu nhất…, ai ngờ phép màu đã đến. Cảm ơn các bác sĩ!”.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Tuấn, trước đây, với những trường hợp bệnh nhân tắc mạch vành đưa đến bệnh viện sớm như bà Tố Anh thì bệnh viện sẽ cho dùng thuốc để tan máu đông, sau đó chuyển lên tuyến trên ở Cần Thơ hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng do tuyến đường xa, mất nhiều thời gian nên tỷ lệ cứu chữa được chỉ khoảng 50% nhưng bệnh nhân còn có nguy cơ chịu biến chứng xuất huyết não.

Còn các trường hợp đưa đến trễ thì bệnh viện không có biện pháp điều trị hiệu quả, trong khi nếu chuyển đi thì tỷ lệ tử vong là rất cao. Tuy nhiên, từ khi làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, bệnh viện đã mạnh dạn can thiệp và cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

"Trong nhồi máu cơ tim có một thuật ngữ gọi là “giờ vàng”, nếu bệnh nhân trong khoảng thời gian giờ vàng từ 6 đến 12 tiếng đầu, mình tiến hành thông mạch cơ tim sớm thì sẽ giữ được chức năng. Nếu tái thông không kịp thì bệnh nhân sẽ tử vong, còn nếu mình tái thông muộn thì bệnh nhân có thể còn giữ được sự sống nhưng cơ tim cũng bị hoại tử rất nhiều, dẫn đến bị suy tim, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về sau", Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Tuấn chia sẻ.

Bệnh viện đa khoa Cà Mau cứu hơn 1.200 bệnh nhân nhồi máu cơ tim ảnh 1

Bệnh nhân Tố Anh được can thiệp thông mạch vành, nay sức khỏe đang dần bình phục.

Để chuẩn bị cho việc có thể thực hiện can thiệp tim mạch nói chung, mạch vành nói riêng, từ năm 2017, Bệnh viện đa khoa Cà Mau lên kế hoạch và cử 2 bác sĩ đi học chuyển giao tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời chuẩn bị trang thiết bị phục vụ điều trị.

Đến năm 2020, các bác sĩ và cả ê-kíp đã bảo đảm tay nghề, mạnh dạn thực hiện can thiệp mạch vành qua da. Từ thời điểm trên đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau đã thực hiện điều trị cho hơn 1.200 trường hợp bị nhồi máu cơ tim, trong đó có 2/3 số ca là các bệnh nhân cấp cứu, đã được can thiệp tái thông mạch vành kịp thời.

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau cho biết: Nhờ sự hỗ trợ rất tích cực từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy và những ê-kíp chuyển giao mà đến nay, việc can thiệp mạch vành tại bệnh viện đối với bệnh nhân đã mang lại kết quả rất tích cực. Số ca chúng tôi làm bình quân 1 ngày có thể 2, 3 và số làm nhiều nhất có thể lên đến 8 ca/ngày và cứu sống được rất nhiều bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa Cà Mau là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của tỉnh Cà Mau, còn là bệnh viện “vệ tinh” của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Nhờ tiếp thu tốt các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến Trung ương mà đến nay, bên cạnh kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp mạch vành, “thầy thuốc” của bệnh viện này còn thực hiện được các kỹ thuật cao khác, như: đặt máy tạo nhịp tim, hỗ trợ cho việc can thiệp tim mạch 24/7.

Để bảo đảm nhu cầu của bệnh nhân, Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau cho biết, đang cử thêm 1 ê-kíp đi học tại Bệnh viện Chợ Rẫy để hướng tới không chỉ có thể can thiệp mạch vành mà còn can thiệp được mạch máu não, hay mạch các chi khác, đồng thời thực hiện liệu pháp xạ trị cho bệnh nhân bị ung thư.